Tại Triển lãm Hàng không Singapore Airshow 2016, Không quân Lào thông báo ý định đặt mua khoảng 20 chiếc Yak-130 để đảm nhiệm vai trò chiến đấu cơ chủ lực.
Máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 |
Trong khi đó diễn biến đáng chú ý khác đã xuất hiện, vào ngày 26/5/2016, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachit đã bày tỏ hy vọng rằng hợp tác quân sự giữa Lào và Trung Quốc sẽ được tăng cường nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.
Đây là điều không mấy bất ngờ vì Bắc Kinh đã có các động thái cho thấy họ mong muốn gây ảnh hưởng nhiều hơn lên các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bằng những gói viện trợ cả về kinh tế lẫn quân sự.
Điển hình là trường hợp của Campuchia, đất nước Chùa Tháp đã nhận rất nhiều ưu đãi từ Trung Quốc như cung cấp tín dụng để mua vũ khí, hay thậm chí còn được cho không xe tải quân sự, quân trang và vũ khí cá nhân...
Nếu Bắc Kinh lại áp dụng một chính sách tương tự, khả năng rất cao là hợp đồng mua sắm quốc phòng lớn nhất của Lào trong nhiều năm qua sẽ không thuộc về Nga mà chuyển qua Trung Quốc. Khi đó ứng viên sáng giá nhất được nhắc tới cho vị trí tiêm kích chủ lực của đất nước Triệu Voi sẽ không phải Yak-130 mà chính là F-7G.
Tiêm kích F-7BG - Phiên bản huấn luyện - chiến đấu hai chỗ ngồi |
Khi đặt hai chiếc chiến đấu cơ này lên bàn cân, mặc dù giá bán tương đương (nằm trong khoảng 15 - 18 triệu USD) nhưng rõ ràng F-7G (phiên bản xuất khẩu của J-7G) nắm giữ nhiều ưu thế hơn, bởi vì đây là một chiếc tiêm kích thực thụ chứ không phải là máy bay huấn luyện hoán cải.
Thừa hưởng mọi ưu điểm của MiG-21 mà Không quân Lào đã quá quen thuộc, F-7G còn có lợi thế lớn ở năng lực chiến đấu như: khả năng thao diễn linh hoạt nhờ cấu hình cánh delta kép kiểu mới, vận tốc tối đa lên tới Mach 2, tốc độ leo cao 195 m/s (so với Mach 0,93 và vận tốc leo cao chỉ 50 m/s của Yak-130), nó sẽ thắng áp đảo trong không chiến quần vòng.
Đối với không chiến ngoài tầm nhìn, trong khi F-7G có các tùy chọn mang radar SY-80, hoặc EL/M-2001, hoặc Grifo-PG thì radar Osa dự định lắp cho Yak-130 hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm, mọi thông số vẫn là lý thuyết, chưa chứng minh được năng lực trên thực tế. Thêm vào đó, thiết bị điện tử hàng không của Trung Quốc gần đây đã có chất lượng không thua kém Nga.
Quan trọng hơn, chắc chắn Moskva sẽ không thể cung cấp các điều kiện bán hàng và hậu mãi hấp dẫn như Bắc Kinh (chấp nhận cấp tín dụng, trả chậm, thanh toán bằng hàng hóa, hay thậm chí là hình thức cho thuê đất dài hạn...).
Với những lý do kể trên, nếu trong tương lai Không quân Lào thông báo đặt mua F-7G của Trung Quốc thay vì Yak-130 của Nga thì cũng không phải là điều gây bất ngờ lớn cho giới quân sự quốc tế.
Theo Nam Đồng (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)