"Moscow coi mọi phát ngôn đăng trên tài khoản Twitter chính thức của ông là phát ngôn chính thức, vì vậy các báo cáo về chúng được trình lên Tổng thống Putin, cũng như các phát ngôn những chính trị gia nước khác đưa ra", Tass dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, hôm qua cho biết.
Việc Tổng thống Donald Trump thường xuyên và liên tục sử dụng Twitter là điểm khác biệt của ông với các tổng thống Mỹ gần đây. Trước đó, chỉ có Tổng thống Barack Obama có tài khoản Twitter và ông chỉ bắt đầu tự đăng vài năm sau khi lập tài khoản. Khác với ông Trump, ông Obama thỉnh thoảng mới dùng và ký tên trong các dòng tweet để cho thấy ông tự viết chúng.
Việc sử dụng tài khoản Twitter của ông Trump đôi lúc dường như làm xói mòn mục tiêu chính sách đối ngoại đã được Mỹ nêu ra, nhưng việc theo đuổi giải pháp ngoại giao với khủng hoảng Triều Tiên. Những người chỉ trích cũng gợi ý ngôn từ của một số dòng tweet từ tài khoản của ông Trump có thể dính líu về mặt pháp lý với cuộc điều tra liên quan đến Nga đang diễn ra và cuộc chiến pháp lý chống lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền Trump.
Theo Washington Post, hầu hết chính phủ nước ngoài dường như theo dõi chặt các thông điệp, một số còn lập một đội chuyên trách giám sát tweet của ông Trump. "Những thông tin trên Twitter của ông Trump là mỏ vàng với mọi cơ quan tình báo nước ngoài", Nada Bakos, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hồi tháng 6 nói. "Những suy nghĩ không bị sàng lọc của tổng thống được bày ra cả ngày lẫn đêm, phát cho 32,7 triệu người theo dõi ngay tức thì, và rõ ràng là không thông qua các nhà ngoại giao, chiến lược hay người được huấn luyện".
Theo Trọng Giáp (VnExpress.net)