Những năm đầu tiên sau Công nguyên, một đứa trẻ sống ở Ai Cập mắc căn bệnh nguy hiểm - rất có thể là viêm phổi - sau đó thì qua đời. Xác ướp của cậu được tìm thấy vào những năm 1880 trong một nghĩa trang gần kim tự tháp Hawara, phía Tây Nam Cairo. Kích thước cái xác dài 30 inch (78cm), có niên đại vào khoảng giữa năm 50 trước Công nguyên, đến năm 100 sau Công nguyên, hiện đang được đặt tại Bảo tàng Munich, Ai Cập.
Năm 1984, nhóm nghiên cứu đã quét CT trên xác ướp và kiểm tra bằng tia X-quang nhằm mục đích tạo ra hình ảnh kỹ thuật số 3D về cơ thể của cậu bé. Kết quả chụp CT cho thấy não và một số cơ quan trong ổ bụng của cậu bé đã bị cắt bỏ - việc làm phổ biến trong quá trình ướp xác ở Ai Cập cổ đại. Theo các nhà nghiên cứu, sự phát triển của xương và răng cho thấy độ tuổi của cậu bé khi qua đời là 3 hoặc 4 tuổi. Họ cũng phát hiện "cặn của mô phổi cô đặc" trên phim chụp CT, qua đó có thể phần nào chắc chắn cậu bé đã chết do bệnh viêm phổi.
Tiếp theo họ chuyển qua gương mặt của cậu bé. Mặt trước xác ướp được dán một bức họa chân dung, được cho là của chính em. "Chân dung trên xác ướp" này là một phần truyền thống phổ biến của một bộ phận người Ai Cập vào thời Hy Lạp-La Mã, từ khoảng thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ ba sau Công nguyên. Nhưng những bức chân dung này có độ chuẩn xác đến mức nào?
Trong bức chân dung, cậu bé được thấy có mái tóc cuộn tròn, 2 lọn tóc tết kéo đến tai. Em có đôi mắt to màu nâu, mũi dài, thon, miệng nhỏ nhưng môi đầy đặn. Trên cổ cậu bé có một chiếc vòng cổ đi kèm huy chương nhỏ. Để tái tạo lại độ dày thích hợp của da, các nhà nghiên cứu tiến hành lấy mẫu tiêu chuẩn từ trẻ em ở độ tuổi từ 3 đến 8 tuổi thời nay. Họ nói rằng việc phục dựng chân dung dựa trên hình dạng của hộp sọ và răng của cậu bé, riêng màu da và kiểu tóc thì dựa vào bức họa chân dung.
Kết quả cuối cùng cho thấy bức chân dung khá chính xác, ngoại trừ một khía cạnh - người họa sĩ đã khiến cậu bé trông già hơn 3 đến 4 tuổi. "Kích thước trán đến đường mắt và khoảng cách từ mũi đến miệng hoàn toàn trùng khớp. Bức họa và bản phục dựng giống nhau đến nỗi chúng tôi nghĩ rằng hẳn người vẽ đã thực hiện và chuẩn bị khá kĩ càng, có thể trước hoặc sau khi cậu bé qua đời.", báo cáo viết.
Trưởng nhóm nghiên cứu Andreas Nerlich, Giám đốc Viện Bệnh học tại Phòng khám Học thuật Munich-Bogenhausen ở Đức, cho biết: "Bức chân dung thể hiện những nét hơi 'già' hơn một chút, có thể là kết quả của một quy ước nghệ thuật thời đó". Tuy nhiên, bức chân dung duy nhất này không thể khẳng định, liệu các họa sĩ Ai Cập cổ đại có thói quen làm cho những người trẻ tuổi trông già hơn trong bức chân dung trên xác ướp của họ hay không.
Các nghiên cứu trước đây về những người trưởng thành có xác ướp được dán ảnh chân dung cho thấy rằng, một số bức chân dung rất giống với người thực, một số khác thì không. Một số xác ướp được dán hình chân dung của họ lúc còn trẻ. Một số khác lại được dán hình chân dung của một người hoàn toàn khác, điều này có thể khẳng định dựa trên tỷ lệ của hộp sọ.
Theo P.H (Pháp Luật & Bạn Đọc)