Gần 2.000 năm trước, thành phố La Mã cổ đại Pompeii đã bị phá hủy hoàn toàn khi núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79 sau Công Nguyên. Đây được xem một trong những vụ phun trào núi lửa gây chết nhiều người nhất ở châu Âu. Ít nhất 2.000 người có thể đã thiệt mạng do dung nham và khí nóng sau vụ phun trào. Pompeii là một bằng chứng độc đáo về cuộc sống thời Đế chế La Mã và đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1997.
Một phát hiện gây ngỡ ngàng
Mới đây, trong một ngôi mộ cổ khá đồ sộ, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xác ướp được bảo quản tốt nhất từng được tìm thấy ở Pompeii. Đây được xem là một phát hiện vô cùng quan trọng giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ đời sống văn hóa của cư dân thành phố này từ hàng ngàn năm trước.
Phát hiện này đặc biệt vì một số lý do. Thứ nhất, đây là “một trong những hài cốt được bảo quản tốt nhất từng được tìm thấy ở thành phố cổ đại này”. Điều này không bình thường bởi lẽ, vào thời La Mã, những người lớn qua đời thường được hỏa táng, chỉ có trẻ em được chôn cất sau khi chết.
Một điều khác khiến các nhà khảo cổ kinh ngạc là họ phát hiện nhiều sợi tóc màu trắng vẫn còn bám trên đầu, ngoài ra một phần tai của người này vẫn còn nguyên vẹn. Họ cho rằng có dấu hiệu cho thấy nhân vật này đã được ướp xác. Cùng với đó, các đặc điểm của nơi cất giữ hài cốt, bao gồm một căn phòng kín, tạo điều kiện cho phép nó được bảo quản trong tình trạng tốt hơn.
Xác ướp này được tìm thấy trong một phòng chôn cất ở Porta Sarno, một khu vực của Pompeii vẫn chưa được mở cửa cho công chúng.
Những điều chưa từng được biết đến
Sau khi phát hiện xác ướp, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu để xác định danh tính xác ướp. Các chữ khắc trong ngôi mộ cho thấy rằng đây là một người đàn ông tên Marcus Venerius Secundio, chết lúc 60 tuổi và khá giàu có. Ông này từng là một nô lệ trông coi Đền thờ Thần Vệ nữ nhưng đã phấn đấu để được trả tự do, rồi sau đó đó đạt đến một địa vị xã hội và kinh tế nhất định.
Trong một cuộc phỏng vấn với AP News, ông Gabriel Zuchtriegel, Giám đốc Công viên Khảo cổ Pompeii, nói rằng Venerius dường như đã phấn đấu trở nên giàu có sau khi được giải phóng khỏi chế độ nô lệ, với ngôi mộ chôn cất hoành tráng nơi ông được tìm thấy.
"Ông ấy không trở nên siêu giàu, nhưng ông ấy chắc chắn đã có được khối tài sản đáng kể", Zuchtriegel nói. Theo các xét nghiệm được thực hiện trên bộ xương, Venerius ở độ tuổi 60 khi chết.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra tên của Marcus Venerius Secundio có trong kho lưu trữ bảng sáp của chủ ngân hàng Cecilius Giocondus, người có một căn hộ được còn gần như nguyên vẹn ở khu vực Via Vesuvio, Pompeii.
Dòng chữ trên bia ký nói rằng sau khi tự do, công việc của Marcus Venerius Secundio ở thành phố là tổ chức các buổi biểu diễn bằng tiếng Hy Lạp, chứ không phải tiếng Latinh, điều khiến các nhà nghiên cứu hết sức ngạc nhiên.
Ông Zuchtriegel, cho biết: “Các buổi biểu diễn bằng tiếng Hy Lạp là minh chứng cho sự giao lưu văn hóa cởi mở và sôi nổi đã hình thành nên thành phố Pompeii cổ đại”.
Giáo sư Llorenc Alapont, đến từ Đại học Valencia, cho biết: “Chúng tôi vẫn cần tìm hiểu thêm rằng liệu việc ướp xác người quá cố có phải là do cố ý xử lý hay không. Những phân tích về loại vải tìm thấy ở đây có thể cung cấp thêm thông tin, bởi có một số loại vải dệt như thường được sử dụng để ướp xác”.
Phần còn lại của hài cốt và các chất hữu cơ được tìm thấy trong khu mộ đã được vận chuyển đến một phòng thí nghiệm để phục vụ nghiên cứu sâu hơn.
Nguồn: Newsbeezer
Theo L.T (Pháp Luật & Bạn Đọc)