Theo thời đại, thân phận phụ nữ Nhật không ngừng thay đổi. Cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân là cột mốc quan trọng thay đổi toàn bộ lịch sử Nhật, giúp quốc gia này phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Khi văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập vào đời sống xã hội Nhật, tư tưởng truyền thống "trọng nam khinh nữ" bị thách thức, vấn đề bình đẳng giới và sự tự do của phụ nữ dần dần được người dân quan tâm nhiều hơn.
Tuy nhiên mãi cho đến những năm 1980, Nhật Bản ban hành Luật Cơ hội việc làm bình đẳng, lúc này phụ nữ Nhật mới được pháp luật bảo vệ một cách hợp pháp. Đây cũng là lúc những định kiến về phụ nữ dần được gỡ bỏ, đặc biệt phụ nữ được trả lương ngang ngửa với nam giới. Chính vì thế, ngày càng có nhiều phụ nữ nhận ra giá trị của bản thân, chăm chỉ làm việc để được độc lập về tài chính.
Khi bước vào quá trình hội nhập thế giới, có không ít đạo diễn nổi tiếng đã phản ánh góc khuất xã hội Nhật dưới góc nhìn của phụ nữ. Qua những thước phim này, người ta nhận ra có quá nhiều tổn hại và áp bức mà phụ nữ Nhật phải gánh chịu.
Điển hình nhất phải kể đến đạo diễn Mizoguchi Kenji, ông là đạo diễn kiêm nhà biên kịch nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản, các tác phẩm của ông phần lớn khắc họa những nỗi đau mà phụ nữ Nhật phải gánh chịu.
Nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami cũng truyền tải rất nhiều thông điệp về phụ nữ thông qua các tác phẩm của mình. Chẳng hạn như trong tác phẩm "Rừng Na Uy", đó là hình ảnh một phụ nữ chạy trốn khỏi xã hội nhưng cuối cùng đã chọn cách tự kết liễu cuộc đời mình.
Phụ nữ Nhật bị đối xử bất công trong ngành y
Mặc dù xã hội Nhật đã cởi mở hơn trước rất nhiều nhưng bình đẳng giới vẫn là vấn đề rất nhạy cảm.
Năm 2018, tin tức về Đại học Y Tokyo đã làm rúng động xã hội, một vụ bê bối có liên quan tới việc phân biệt đối xử với phụ nữ. Vào thời điểm đó, một bài đăng trên trang Yomiuri Shimbun viết rằng: "Đại học Y Tokyo bị tình nghi cố tình đánh rớt các thí sinh nữ trong kỳ tuyển sinh trong suốt 8 năm qua". Tin tức này một lần nữa đưa chủ đề nhạy cảm về phân biệt giới tính lên cao.
Dưới áp lực từ các phương tiện truyền thông và tổ chức phi chính phủ, người ta bắt đầu tiến hành một điều tra nội bộ.
Phía hiệu trưởng nhà trường Keisuke Miyazawa thừa nhận những cáo buộc trên là đúng. Có một điểm khác biệt nhất là phía nhà trường không trực tiếp trừ điểm thí sinh nữ mà cộng điểm cho thí sinh nam, nhằm kiểm soát tỷ lệ trúng tuyển các thí sinh nữ ở mức 30%.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Bộ Khoa học và Nghệ thuật Tự do trên 81 trường Đại học Y khoa và khoa Y trên cả nước Nhật, kết quả cho thấy các thí sinh nữ khó đậu Đại học Y hơn, tỷ lệ đậu trung bình của nam gấp 1,2 lần so với nữ. Điều này cho thấy có sự phân biệt giới tính rất cao trong hệ thống y tế Nhật.
Ngày 12/4/2019, tại buổi lễ khai giảng của Đại học Tokyo, một nhà khoa học nữ nổi tiếng thế giới, đồng thời là giáo sư danh dự của đại học này – Ueno Chizuku đã có một màn phát biểu chấn động trước 3.100 tân sinh viên.
Chizuku nói: "Bạn đang sống trong một xã hội ngay cả khi bạn làm việc chăm chỉ vẫn không nhận được sự đối xử một cách công bằng.
Tất cả những tân sinh viên mới nhập học đều tin tưởng rằng, chỉ cần mình học tập và làm việc chăm chỉ sẽ được đền đáp. Ngay cả khi bạn đã làm một công việc khó khăn nhưng cũng không nhận được phần thưởng tương xứng. Có rất nhiều người đã bị dội một gáo nước lạnh trước sự thật phũ phàng này".
Bài phát biểu của Chizuko đã thu hút mọi người chú ý tới vấn đề bình đẳng giới trong xã hội Nhật. Trong bài phát biểu của mình, Chizuko chỉ ra phụ nữ Nhật ngay từ nhỏ đã luôn mong đợi được mọi người khen ngợi "Kawaii" (có nghĩa là dễ thương).
Đặc biệt có một thuật ngữ gọi là "Yamato Nadeshiko", ám chỉ đó là một người phụ nữ giỏi việc nhà, dạy dỗ con cái chu đáo nhưng vẫn duy trì được vẻ đẹp và tuổi thanh xuân rực rỡ như hoa của mình.
Phụ nữ Nhật bị chèn ép ở công sở
Trong báo cáo về khoảng cách giới tính trên toàn cầu, được công bố trong Diễn đàn kinh tế Thế giới năm 2018 cho thấy, có sự khoảng cách rất lớn giữa nam và nữ trong 4 lĩnh vực: Kinh tế, giáo dục, chính trị, y tế.
Trong đó, chỉ số về Nhật Bản là 0.662, xếp thứ 110/149 quốc gia, rất thấp so với các nước phát triển khác. Năm 2019, chỉ số này tụt xuống vị trí 121/153. Có một điều dễ dàng nhận thấy, trong lĩnh vực chính trị, rất hiếm có phụ nữ Nhật tham gia.
Trước đây từng có một tin tức gây ra phản ứng mạnh mẽ từ dư luận xã hội, đó là một số công ty Nhật cấm phụ nữ đeo kính khi đi làm.
Một nhân viên lễ tân cho biết: "Tôi không thể đeo kính ở nơi làm việc trong khi đồng nghiệp nam thì thoải mái đeo". Một y tá trong bệnh viện thẩm mỹ bị cận nhưng sếp vẫn không đồng ý cho đeo kính, đồng thời còn đưa ra các yêu cầu như "bắt buộc trang điểm và không được phép béo".
Một hãng hàng không Nhật Bản đã thực hiện quy định không đeo kính đi làm vì lý do an toàn. Một số nhà hàng truyền thống Nhật Bản cho rằng, nhân viên nữ đeo kính không phù hợp với trang phục kimono.
Kumiko Nemoto, giáo sư xã hội học tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto cho biết: "Mọi người lấy ngoại hình để làm thước đo giá trị của một người phụ nữ. Đây là một phần thông điệp thông qua chính sách này".
Nhắc tới Nhật Bản, mọi người đều nghĩ đến một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới nhưng ít ai biết rằng, dù sống trong thế kỷ 21 vẫn còn tồn tại những phân biệt đối xử giữa nam nữ và có không ít những quan điểm áp đặt phụ nữ không thể thay đổi.
Theo Phan Hằng (Pháp Luật & Bạn Đọc)