Năm 2014, Đài truyền hình Nhật Bản NHK đã phát sóng một bộ phim tài liệu đặc biệt mang tên "Những người phụ nữ nghèo" tập trung khai thác tình trạng nghèo khó của những người phụ nữ trẻ Nhật Bản, đồng thời bóc trần hiện thực tàn khốc ẩn sâu trong xã hội Nhật Bản: Một khi không còn người đàn ông bên cạnh, cuộc sống của phụ nữ Nhật Bản sẽ chìm vào hố sâu không đáy.
Bị tước đoạt đi ước mơ và hy vọng ngay từ điểm xuất phát của cuộc đời
Nếu đã từng đến Tokyo, chắc hẳn ai đó cũng sẽ bắt gặp những cô gái thế này trên các con đường phồn hoa nhất của thành phố: Họ mặc những bộ đồ thời thượng, trang điểm xinh đẹp, mặt mũi nhỏ nhắn dễ thương, trong đó rất nhiều người mang túi xách lớn nhỏ, trông giống như những cô gái thích shopping.
Thế nhưng, chỉ cần theo chân một lúc, bạn sẽ phát hiện điểm đích của họ là những tiệm internet giá rẻ tồi tàn. Vì không thể trả nổi tiền thuê nhà nên họ chỉ có thể tạm trú ở đây trong nhiều năm liền. Bên cạnh đó, họ còn phải làm một lúc 2-3 công việc, một ngày chỉ ăn một bữa mới có thể miễn cưỡng duy trì cuộc sống.
Có nhiều cô gái trẻ không đủ tiền để ở tiệm net nên phải nương tựa vào các cửa hàng kinh doanh qua đêm. Còn nhiều bà mẹ đơn thân dắt theo con nhỏ coi những hộp đêm "bán thân" là cọng rơm cứu mạng để họ không phải rong ruổi khắp đầu đường xó chợ.
Dưới sự phồn hoa đô hội của Tokyo giàu có kia chính là tiếng than thở của những người phụ nữ nghèo khổ. Cho dù họ muốn thoát nghèo bằng con đường học vấn hoặc các khóa đạo tạo nghề nghiệp thì cũng bị làm cho chùn bước bởi khoản vay hỗ trợ học tập đắt đỏ.
Mặc dù vừa đi học vừa đi làm kiếm tiền, nhưng vì khoản vay hỗ trợ học tập nên Ai-chan đã gánh số nợ phải trả suốt 20 năm về sau. Khi nói đến chuyện kết hôn, Ai-chan nói: "Không thể! Mặc dù tôi rất muốn kết hôn nhưng đợi tôi trả hết nợ thì cũng 45 tuổi rồi".
Một cô sinh viên cũng đang gánh khoản nợ học tập khổng lồ chia sẻ thêm: "Nói là tiền hỗ trợ học tập nhưng thực chất là lại vay nợ. Nếu nói ra bản thân mình đang mang khoản nợ đầy đầu thì đàn ông nghe được sẽ nghĩ gì chứ!".
Những cô gái trẻ đang phải chật vật với cái nghèo này đa số đều xuất thân từ gia đình đơn thân, thiếu thốn tình thương của bố, mẹ thì không có công việc ổn định; hoặc là đã ly hôn, một mình dẫn theo con nhỏ len lỏi vào các góc tối của xã hội.
Theo đó, kết hôn trở thành một cách khá hữu hiệu để giúp các cô gái Nhật Bản thoát nghèo. Nhưng hiển nhiên, dựa dẫm vào cuộc sống của người khác lại là chuyện vô cùng trắc trở.
Pháp luật Nhật Bản quy định, những bà vợ nội trợ có thể hưởng bảo hiểm sức khỏe của chồng, sau khi ly hôn có thể hưởng một nửa lương hưu của chồng. Từ đó, trên thực tế, số lượng các bà mẹ đơn thân một mình nuôi con sau khi ly hôn hoặc chồng qua đời ngày một gia tăng.
Trong trường hợp người chồng gặp phải tai nạn ngoài ý muốn hoặc thu nhập không cao, không thể đảm đương được gánh nặng cuộc sống cho cả gia đình, những người vợ vốn đã quen với công việc nội trợ giờ đây muốn tìm một công việc đỡ đần gia đình thì lại càng khó khăn hơn.
Chính sách lao động của các xí nghiệp Nhật Bản luôn hướng về người đàn ông vì họ cho rằng phụ nữ không thể làm việc lâu dài, không phải là nguồn lực lao động chính. Các công ty không bao giờ thuê lao động nữ ở vị trí chính thức.
Từ đó, chúng ta có thể hiểu: Phụ nữ Nhật Bản đã trở thành vật minh chứng cho câu nói "mất đi người đàn ông là sụp vào cái hố nghèo nàn". Cho dù có kết hôn hay không thì cái nghèo vẫn luôn rình rập và chực chờ để vồ lấy họ.
Mối liên kết giữa hộp đêm và gái bán hoa
Ở Nhật Bản, mỗi năm có khoảng 50 đứa trẻ bị ngược đãi đến chết. Trong đó, có 35% đứa trẻ xuất thân từ gia đình có môi trường bảo hộ kém và không nộp thuế.
Năm 2013, Nhật Bản từng có một vụ án mạng thương tâm: Một người mẹ đơn thân đã cho con nhỏ ở kí túc xá mà hộp đêm cho trú ngụ rồi một mình ra ngoài tiếp khách. Kết quả là hai đứa nhỏ bị chết đói trong căn phòng chứa đầy rác bẩn.
Vậy thì một câu hỏi được đặt ra: Nếu hoàn cảnh sống của người phụ nữ không ổn định thì con cái của họ làm sao có thể phát triển một cách khỏe mạnh?
Tomomi, 19 tuổi, cha mất từ sớm, mẹ cô từ lâu đã quen với công việc nội trợ giờ đây phải bươn chải để trở thành trụ cột cho cả gia đình. Mẹ Tomomi làm việc trong trung tâm dịch vụ của công ty khí than, nhưng trong người lại mắc bệnh nặng, rồi nằm liệt trên giường. Từ đó, cái nghèo lại càng bám chặt vào gia đình của Tomomi hơn.
Thân là con cả, Tomomi trở thành nguồn thu nhập chính trong nhà. Ngay từ thời trung học, cô đã phải làm công việc bán thời gian ở cửa hàng tiện lợi, mỗi tháng chỉ kiếm được 50.000 Yen (hơn 10 triệu đồng) mà phải chi trả cho tiền ăn uống, sinh hoạt, học tập, còn dành ra một phần để trợ cấp cho gia đình. Ngoài ra, cô còn phải chăm lo cho hai em gái và chăm sóc cho người mẹ bệnh tật của mình.
Đối với Tomomi, cuộc đời là một chuỗi sóng gió mệt mỏi bắt đầu ngay từ thời niên thiếu, mỗi ngày phải vật lộn trong những áp lực của cuộc sống, không bạn bè, không quan hệ xã hội, không giải trí, càng không thể đi xa.
Khi được hỏi về lý tưởng của mình, Tomomi đã chia sẻ: "Tôi làm gì có lý tưởng… Điều tôi muốn nhất lúc này chính là có thể thoát khỏi hiện thực, không phải thức sớm về trễ, chỉ cần có cuộc sống bình thường, đi làm tan làm đúng giờ là được rồi".
Chính vì dù có cố gắng bao nhiêu cũng không thể thoát được cảnh nghèo, các bà mẹ đơn thân chỉ có thể đặt tia hy vọng vào những "góc tối xã hội" kia có thể cung cấp những dịch vụ hữu ích cho con cái của họ.
Vì để thỏa mãn yêu cầu của những người phụ nữ này, các hộp đêm đã cung cấp những nhà giữ trẻ, kí túc xá,… hơn nữa, các "má mì" còn rất yêu chiều những người mẹ đơn thân đang làm việc cho mình, sẽ giúp họ giữ tiền, đưa đón trẻ nhỏ, quy định thời hạn làm việc và mục tiêu kiếm tiền.
Một cách vô hình trung, hộp đêm và gái bán hoa dần hình thành nên mối quan hệ mật thiết dựa dẫm vào nhau. Theo đó, nghề "gái làng chơi" đã trở thành cọng rơm cứu mạng cho những người phụ nữ nghèo túng không nơi nương tựa.
Cái nghèo còn có thể di truyền
Càng đáng sợ hơn là dưới tình trạng không hề được hỗ trợ đủ đầy kinh tế, cái nghèo của những người phụ nữ đơn thân còn truyền lại cho đời sau.
Trong bộ phim tài liệu "Những người phụ nữ nghèo" đã khắc họa hình ảnh những người phụ nữ ở đáy xã hội đều xuất thân từ gia đình đơn thân, không có bố, mẹ một mình nuôi nấng mấy đứa con. Từ nhỏ, họ đã thiếu ăn học, lại phải chịu áp lực gánh nặng gia đình, phải học cách chịu khổ và nghỉ học. Kết quả, học lực kém chính là nguyên nhân chủ yếu khiến họ bị xã hội đào thải.
Nhiều người phụ nữ đã mang thai từ rất trẻ. Họ ôm niềm hi vọng và tin tưởng con cái sẽ giúp họ hạnh phúc. Nhưng khi nhận thức được con cái không phải là đối tượng để dựa dẫm thì chúng lại trở thành vật để họ phát tiết sau những áp lực cuộc sống và cảm xúc tiêu cực.
Vậy thì những đứa trẻ này phải cố gắng tới mức nào mới có thể thoát khỏi cảnh nghèo trong khi chúng lớn lên trong môi trường thiếu thốn cả về vật chất và tình thương?
Quan niệm truyền thống đã huấn luyện người phụ nữ trở thành vật phụ thuộc vào đàn ông. Vậy mà xã hội hiện đại lại mù quáng buộc họ phải độc lập. Hiện thực tàn khốc "Có làm nhưng không có nhận, uổng công vô ích" càng khiến họ chìm sâu vào hố đen của cái nghèo mà thôi.
Đâu đó trong thành phố xa hoa giàu có bậc nhất kia, những mảnh đời đơn thân và những đứa trẻ lớn lên trong cảnh thiếu thốn trăm bề vẫn đang gồng mình bám víu chút hy vọng nhỏ nhoi để tồn tại trong thế giới đầy khắc nghiệt này.
(Nguồn: Zhihu)
Theo Phan (Pháp Luật & Bạn Đọc)