Tết âm lịch là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Trung Quốc, tập tục liên quan đến Tết cũng vô cùng nhiều. Tục ngữ Trung Quốc có câu "trong vòng mười dặm phong tục đã khác nhau", vì khí hậu, ẩm thực có nhiều khác biệt, thế nên phương bắc và phương nam Trung Quốc cũng sẽ có những tập tục đón Tết khác biệt.
Ở đất nước tỷ dân có một bài đồng dao về ngày Tết như sau:
Bé con, bé con đừng có tham ăn
Qua ngày mùng tám tháng Chạp chính là Tết rồi
Nấu cháo Bát, uống vài ngày, tràn đến hai mươi ba
Hai mươi ba, kẹo mạch nha đã sánh
Hai mươi bốn, quét dọn nhà cửa
Hai mươi lăm, đậu phụ đông
Hai mươi sáu, đi mua thịt
Hai mươi bảy, mổ gà trống
Hai mươi tám, ủ bột mỳ
Hai mươi chín, hấp bánh bao
Đêm ba mươi, cơm đoàn viên
Mùng một, đưa bé đi khắp chốn.
Cận Tết: Cúng ông Táo, tẩy trần
Người phương bắc Trung Quốc cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, còn người phương nam lại cúng vào ngày 24 tháng Chạp.
Theo truyền thuyết cũ, đó chính là ngày ông Táo lên trời, các gia đình bóc bức tranh thờ ông Táo đã hun qua 1 năm khói lửa nhà bếp, đồng thời phải thỉnh về một bức tranh thờ mới, treo về chỗ cũ và bày cỗ cúng.
Bất kể là cúng ông Táo vào ngày 23 hay 24 tháng Chạp, mọi người đều phải tẩy trần, giặt giũ quần áo, cọ rửa nồi niêu, tiến hành tổng vệ sinh, chuẩn bị mọi thứ sạch sẽ tươm tất, bày tỏ ý nghĩa năm mới phải có không khí mới.
Trừ Tịch: Cơm Tất niên, đón giao thừa
Phong tục đón Giao thừa tại Trung Quốc cũng rất phong phú, người phương bắc cùng nhau làm sủi cảo, người phương nam quây quần bên bếp lửa.
Đêm Trừ Tịch (ngày 30 tháng Chạp), cả nhà đoàn tụ ăn cơm Tất niên, người lớn trong nhà phát tiền mừng tuổi, quây quần bên nhau đón Giao thừa. Thời khắc chuyển giao, tiếng pháo vang lên, tạm biệt năm cũ, đón năm mới với hi vọng dồi dào, mỗi người theo thứ tự bối phận chúc Tết lẫn nhau, sau đó mới chúc Tết bạn bè.
Ngày Trừ Tịch, cho dù là người lớn hay trẻ nhỏ, đều phải nói những lời cát tường, không được nói những chuyện xui xẻo, phải chong đèn suốt đêm, đặc biệt là phòng thờ tổ tiên càng không được tắt đèn.
Đêm Trừ Tịch ở phương nam có phong tục quây quần bên bếp lửa, sau khi ăn cơm đoàn viên, tất cả thành viên trong gia đình đến ngồi xung quanh bếp lò, cắn hạt dưa, xem TV, vừa ăn vừa nói chuyện, kể hết mọi ngọt bùi đắng cay trong năm qua.
Người phương bắc lại thích vừa xem Xuân Vãn (chương trình đặc biệt đêm Giao thừa của CCTV - Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc) vừa gói sủi cảo, để cầu may mắn họ thường bỏ hình tiền xu, đường, lạc, táo, hạt dẻ và thịt vào bên trong làm nhân sủi cảo.
Mùng một: Mở cửa đốt pháo, chúc Tết
Sáng sớm mùng một, mở cửa đại cát, đốt pháo trước thềm, cầu mong một năm may mắn, thuận lợi. Con cháu phải chúc Tết ông bà cha mẹ, mọi người ra đường gặp nhau cũng phải tươi cười, tay bắt mặt mừng chúc năm mới phát tài. Ngoài ra, tương truyền mùng một chính là sinh nhật của cái chổi, ngày này phải để chổi nghỉ ngơi, không được quét nhà, nếu không sẽ gặp phải vận đen, nếu như tình huống bắt buộc phải quét nhà thì nên quét từ bên ngoài vào bên trong.
Người phương bắc Trung Quốc coi trọng việc ăn sủi cảo sáng mùng một, ý nghĩa "cũ mới chuyển giao", lại thêm hình dạng sủi cảo giống với đĩnh vàng, sau khi nấu chín bày lên bàn ăn tượng trưng cho "năm mới đại phát, vàng mau lăn tới đây".
Người phương nam lại có truyền thống ăn bánh mật và bánh trôi, bánh mật đồng âm với "niên cao" trong tiếng Trung Quốc, thể hiện ước muốn cát tường như ý trong năm mới. Bánh trôi còn gọi là "bánh viên tròn" mang ý nghĩa "cả nhà đoàn viên".
Mùng hai: Về nhà mẹ đẻ
Mùng hai, con gái đã gả chồng về nhà mẹ đẻ cùng với chồng của mình, cho nên còn gọi là "ngày đón rể". Theo thông lệ, con gái sẽ mang theo một ít quà tặng bố mẹ đẻ và tiền mừng tuổi phát cho các cháu bên ngoại, ở nhà mẹ đẻ ăn cơm trưa. Trước đây, người ta thường chụp ảnh gia đình vào ngày này.
Người phương bắc ăn mì, người phương nam ăn tiệc Khai niên. Có câu ngạn ngữ rằng "mùng một sủi cảo, mùng hai mì", với mong muốn mọi điều thuận lợi, người phương bắc đem bột làm sủi cảo còn dư ở mùng một nấu thành mì, để trôi qua nước lạnh, gọi là canh mỳ lạnh. Ở phía nam, khu vực Quảng Đông, Macau mùng hai nhất định phải ăn tiệc Khai niên, đặc biệt là những hộ kinh doanh buôn bán.
Bữa cơm Khai niên ngoài những món tương tự như Tất niên, người ta còn chuẩn bị thêm thịt quay, phần bì được quay đỏ hồng, bên trong nhiều thịt, ẩn ý cầu 1 năm khỏe mạnh cường tráng, có người còn bày thêm rau sống và nấm với ngụ ý "tiền tài đầy đất".
Mùng năm: Trảm tiểu nhân, đón Thần Tài
Theo truyền thống, ngày mùng năm là ngày bán mở hàng năm mới, phải đón Thần Tài, đuổi "5 cái nghèo" gồm: nghèo trí tuệ, nghèo học hành, nghèo văn hóa, nghèo sức khỏe, nghèo bạn bè. Mọi người sáng sớm thức dậy, đốt pháo, quét tước vệ sinh, cùng nhau ăn sủi cảo, dân gian gọi là "bịt miệng tiểu nhân".
Một số khu buôn bán ở phương bắc Trung Quốc, sau khi mở hàng, người ta phải đốt pháo, gọi là "giết quỷ", xua đi vận xui của năm cũ. Còn ở phương nam, người kinh doanh phải bái thần rồi mới mở cửa hàng, mong muốn đem được nhiều tài lộc về cho nhân viên.
Ngoài ra, người phương bắc Trung Quốc còn múa dân gian Ương Ca, đi cà kheo trong lễ mừng năm mới, trong khi người phương nam lại thích biểu diễn múa lân, múa rồng. Cho dù với hình thức, cách thức nào, ước nguyện cuối cùng trong những ngày đầu năm vẫn là cầu cho một năm mới thêm nhiều sức khỏe, may mắn và tài lộc, được cùng nhau trải qua một cái Tết đầm ấm, yên vui.
Theo Nguyệt An TT (Trí Thức Trẻ)