Đón Giao thừa là phong tục tồn tại đã lâu ở Trung Quốc, dân gian gọi là đón lửa Giao thừa. Trong đêm Giao thừa, các gia đình đều trưng đèn thâu đêm, xua đi vận xui để năm mới tài phú được dồi dào.
Ở một số địa phương tại Trung Quốc, trong đêm Giao thừa, cả nhà đoàn tụ, ăn cơm Tất niên, thắp nến hoặc đèn dầu, ngồi quanh bếp lửa nói chuyên phiếm, thức xuyên đêm, tượng trưng cho việc xua đuổi hết bệnh dịch và những điều không may đi.
Truyền thuyết về nguồn gốc của đêm Giao thừa
Bắt nguồn từ khu vực Thương Châu, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), từ ngày 23 đến 30 tháng Chạp hàng năm, mọi gia đình bắt đầu sửa soạn đón Tết, tối 30 mọi người cùng nhau thức thâu đêm chờ đón khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Phong tục này ở Trung Quốc có liên quan đến truyền thuyết về Táo bà.
Truyền thuyết kể rằng, con gái Ngọc Hoàng hiền lành, thiện lương, luôn xót thương tầng lớp người nghèo khắp thiên hạ, nàng thầm thương trộm nhớ chàng trai người phàm nghèo khó, làm nghề nhóm lửa thổi cơm dưới hạ giới. Sau khi Ngọc Hoàng biết được, ngài vô cùng tức giận, phạt con gái phải hạ phàm cùng chàng trai nghèo chịu tội.
Vương Mẫu nương nương thương con gái, cầu xin Ngọc Hoàng tha cho, Ngọc Hoàng mới miễn cưỡng phong cho chàng trai ấy làm Táo quân, lo chuyện bếp núc cho các gia đình dưới hạ giới, do vậy mà con gái Ngọc Hoàng trở thành Táo bà.
Táo bà thấu hiểu khó khăn của dân chúng, thường tìm cớ về nhà mẹ đẻ, lên trời mang đồ ăn thức uống xuống hạ giới phân phát. Ngọc Hoàng vốn không ưng con gái và con rể, liền ra quy định chỉ cho phép Táo ông và Táo bà cùng nhau về trời trong ngày 23 tháng Chạp, những ngày khác cấm không cho về.
Năm sau, thấy dân chúng lầm than, đói khổ cơ cực, đến ngày 23 tháng Chạp, Táo bà vội vã lên trời. Thế nhưng, Ngọc Hoàng nhất quyết không gọi nàng lên chầu trời, trên đường cũng không có lương khô, dân chúng biết tin liền gom góp làm 2 cái bánh in, đưa cho Táo bà mang theo làm đồ ăn trên đường đi.
Táo bà lên trời, tâu với Ngọc Hoàng nỗi khốn khổ của nhân gian, tuy vậy, Ngọc Hoàng sợ con gái đem vận khí nghèo đói về nhà, nên bắt nàng về hạ giới ngay trong đêm. Táo bà tức giận, định bụng sẽ đi ngay lập tức, nhưng lại nghĩ không thể tay không trở về, nàng nói: "Ta không đi, ngày mai đem chổi đến quét vận xui đi là được."
Ngày 24, Táo bà đang buộc chổi quét nhà thì Ngọc Hoàng đến giục nàng về hạ giới, nàng nói: "Sắp đến Tết rồi, trong nhà không có đậu phụ, ngày mai ta còn phải xay đậu phụ."
Ngày 25, Táo bà đang cắt đậu phụ, Ngọc Hoàng lại đến thúc giục nàng nhanh trở về nhà, nàng nói: "Ngày mai ta còn phải xẻ thịt."
Ngày 26, Táo bà đang xẻ thịt thì Ngọc Hoàng lại tìm nàng, khuyên nàng về nhà, nàng nói: "Trong nhà ngay cả con gà cũng nuôi không nổi, ngày mai ta sẽ mổ gà."
Ngày 27, Táo bà đang mổ gà, Ngọc Hoàng lại đến bắt nàng trở về nhân gian rồi, nàng nói: "Phải có lương khô mới lên đường được, ngày mai ta còn muốn ủ bột làm bánh bao."
Ngày 28, Táo bà đang hấp bánh bao, Ngọc Hoàng lại chạy đến bắt nàng rời khỏi Thiên cung, nàng nói: "Đến Tết còn phải uống rượu mừng, ngày mai ta còn phải đi lấy rượu."
Ngày 29, Táo bà vừa lấy rượu trở về, Ngọc Hoàng như thường lệ lại đến giục nàng mau chóng về hạ giới, nàng nói: "Chúng ta cả năm cũng không kịp ăn một bữa sủi cảo, ngày mai ta còn phải gói sủi cảo."
Ngày 30, Táo bà đang làm sủi cảo, Ngọc Hoàng nổi giận, bắt nàng hôm nay nhất định phải trở về. Táo bà cảm thấy mọi thứ chuẩn bị đã xong xuôi, nàng đến từ biệt Vương Mẫu nương nương, mẹ con hàn huyên đến khi trời tối, rồi nàng mới luyến tiếc rời Thiên cung. Trời đã về khuya nhưng dưới hạ giới không có nhà nào đi ngủ, tất cả mọi người đều chong đèn chờ Táo bà trở về.
Mọi người thấy Táo bà trở về, còn mang theo rất nhiều vật dụng dành cho năm mới, liền thắp hương đèn, đốt pháo... nghênh đón Táo bà. Lúc này chính là đêm Trừ Tịch - đêm Giao thừa.
Dân chúng không quên ân đức của Táo bà, 23 tháng Chạp hàng năm đều cúng tiễn Táo ông - Táo bà lên trời, đêm Giao thừa lại thức đón Táo ông Táo bà mang theo sung túc, ấm no trở về.
Tập tục này vẫn còn được truyền lưu đến ngày nay.
Những phong tục trong đêm Giao thừa
1. Đốt đèn
Đêm Giao thừa ngay trước thềm năm mới, phải mở tất cả đèn trong nhà (trước đây là thắp nến hoặc đốt đèn dầu) để "chiếu vận xui". Người ta tin rằng làm như vậy những chuyện không may mắn sẽ không đi theo mình trong năm mới nữa, tiền tài sẽ càng thêm dồi dào.
2. Ăn cơm Tất niên
Bữa cơm cuối cùng của năm mới phải ăn thật chậm rãi, có nơi bữa cơm Tất niên còn kéo dài đến tận đêm khuya. Đây chính là buổi tối giao thoa giữa năm mới và năm cũ, gia đình đoàn viên, quây quần bên bàn trà bánh, thứ không thể thiếu chính là táo đỏ, hàm ý cầu mong bình an cho cả gia đình trong năm mới.
3. Đạp mùa màng
Đem thân cây vừng dùng chỉ vàng cuốn thành hình đĩnh vàng, gọi là Tụ bảo bồn, sau đó cả nhà dùng chân đạp thật mạnh, mượn hình ảnh hoa vừng nở ra liên tục, ngụ ý cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mọi chuyện trong nhà được thịnh vượng.
4. Trò chơi dân gian
Trò chơi được nhiều người Trung Quốc chơi trong đêm Giao thừa nhất là mạt chược, tuy nhiên hiện nay việc tổ chức mạt chược (dưới hình thức cờ bạc) đã bị cấm, do đó ngày càng nhiều người thích ở nhà cùng xem TV với người thân, chờ đợi khoảnh khắc Giao thừa.
Theo Nguyệt An TT (Trí Thức Trẻ)