Scotland: Bỏ than vào bếp cầu an khang, thịnh vượng
Ngày Tết, nhà nào cũng mở rộng cửa để đón khách. Khách đến chơi đều mang theo những hòn than. Mỗi khi đến nhà nào, người ta cũng bỏ một hòn than vào bếp lò nhà đó để cầu mong nhà đó được đầm ấm, thịnh vượng.
Tây Ban Nha: Ăn 12 quả nho tượng trưng cho 12 tháng của năm mới
Ở Tây Ban Nha, một phong tục truyền thống được thực hiện là ăn 12 quả nho tượng trưng cho 12 tháng của năm mới để cầu may mắn và phát đạt.
Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng đây là một thách thức không dễ thực hiện. Người dân phải ăn mỗi quả nho tương ứng với mỗi tiếng chuông và trước khi tiếng chuông cuối cùng điểm thì 12 quả nho phải trôi hết qua cổ họng, bằng không trong năm mới sẽ không suôn sẻ mọi việc.
Cách thường làm là cắn quả nho làm hai, nhai nhanh và nuốt, rồi thưởng thức một ly rượu sâm banh.
Truyền thống ăn 12 quả nho có từ năm 1909, được những người trồng nho vùng Alicante đưa ra ý tưởng này để hi vọng bán được nhiều nho hơn sau vụ thu hoạch.
Nhật Bản: Không nấu nướng 3 ngày đầu năm
Sau những bữa tiệc cuối năm, người Nhật tiến hành Osouji - nghi thức dọn dẹp nhà cửa và văn phòng đón Tết. Osouji không chỉ là chuẩn bị nhà cửa để mừng năm mới mà còn là nghi thức tượng trưng cho một sự khởi đầu mới, tươi sáng. Dọn dẹp không gian sống và nơi làm việc lộn xộn, đặc biệt là dọn sạch bồ hóng trong bếp, bụi trong nhà nhằm cảm ơn các phước lành của năm trước, thanh tẩy các không gian đón năm mới.
Bên cạnh đó, người Nhật còn có một số nghi thức rất độc đáo như: Wakazari là một vòng tròn, được bện bởi một đoạn dây thừng và được kết hoa lên phía đầu, chỗ móc treo. Người ta treo Wakazari ở bếp, với ý nghĩa tạ ơn những vị thần lửa và thần nước đã đem lại cuộc sống sung túc, những bữa cơm gia đình đầm ấm cho họ. Ngoài ra, Wakazari còn được treo ở mui xe ô tô và xe đạp để cầu an toàn trong năm.
Trước Giao thừa, ngoài mâm cỗ để cúng bái, những người phụ nữ ở Nhật Bản sẽ chuẩn bị nhiều hộp đồ ăn nguội gọi là Osechi. Vì người dân ở đất nước này quan niệm rằng trong 3 ngày đầu năm, việc nấu nướng sẽ làm phiền tới thần bếp nên Osechi là phương án tốt nhất. Điều đó cũng giúp cho những người phụ nữ được thong thả đón Tết mà không lo bếp núc trong 3 ngày này.
Đan Mạch: Đập vỡ đĩa để mang lại may mắn
Người Đan Mạch có truyền thống đón năm mới độc đáo là "đập vỡ đĩa" để mang lại may mắn. Cụ thể, vào đêm Giao thừa, họ ném đĩa vào trước nhà của người bạn hay hàng xóm.
Nếu vào buổi sáng có nhiều mảnh vỡ đĩa thì chủ nhà càng có nhiều bạn và nhiều may mắn trong năm mới. Ngày nay, tập tục này còn khá ít người thực hiện, nhưng dù sao nó cũng khá thú vị.
Một truyền thống khác ở quốc gia này là nhảy khỏi ghế vào thời khắc Giao thừa, điều này tượng trưng cho "bước tiến nhảy vọt" trong năm mới.
Đức: Đốt nến làm tan chảy miếng chì
Tại Đức, phong tục đón năm mới kỳ lạ là đốt nến làm tan chảy miếng chì nhỏ trên thìa.
Sau khi chì tan chảy hết và đổ dung dịch này vào nước lạnh, những hình dạng mới của khối chì trong nước lạnh sẽ mang từng ý nghĩa riêng biệt trong năm mới.
Chẳng hạn, nếu khối chì này có hình dạng quả bóng thì "vận may" của bạn sẽ "lăn" hết ra ngoài đường, trong khi hình dạng vương miện sẽ tượng trưng cho sự giàu có. Còn hình dạng ngôi sao dĩ nhiên sẽ đem lại nhiều may mắn. Và nếu như hình dạng một thập tự giá thì "điềm gở" không mong muốn sẽ ập đến.
Còn vào đêm Giao thừa và bước sang ngày 1/1, người dân Đức thích ăn loại bánh có tên Berliner (hay Krapfen). Bánh được rắc đường và có nhân mứt hoa quả.
Một số người trêu chọc bạn bè mình vào năm mới, thay vì để nhân mứt có hoa quả thì họ kẹp mù tạt vào bên trong bánh.
Cho dù bạn gọi nó là Krapfen, Kreppel, Krebbel hay Berliner thì loại bánh nướng này không thể thiếu trong Tết Silvester (Nguyên đán) của người Đức.
Phần Lan: Bói vận may với thiếc nung trong bếp lửa
Bằng cách nung chảy thiếc trên một chiếc chảo nhỏ trên bếp rồi ném vào chậu nước lạnh, người Phần Lan sẽ phân tích những đốm màu của kim loại trong ánh nến để xem chủ nhân của nó trong năm mới sẽ như thế nào.
Anh: Cời lửa bếp lò lấy may
Anh là một trong số những quốc gia có nhiều phong tục trong ngày Tết, trong đó có tục cời lửa bếp lò. Đêm Giao thừa, người Anh mang rượu và bánh ngọt đi chúc Tết. Người Anh không gõ cửa mà tiến thẳng vào nhà bạn bè hoặc người thân.
Theo phong tục của người Anh, sau Giao thừa, người đầu tiên bước vào nhà xông đất sẽ báo hiệu năm mới tốt lành hay xui xẻo. Nếu người khách đầu tiên là đàn ông tóc đen hoặc là người vui vẻ, hạnh phúc và giàu có thì chủ nhà cũng may mắn cả năm. Nếu người khách đầu tiên là cô gái tóc vàng nhạt hoặc là người u buồn, nghèo khó, bất hạnh chủ nhà sẽ gặp nhiều tai họa và khó khăn trong năm mới. Người đến làm khách trong đêm Giao thừa trước khi nói chuyện phải cời lửa bếp lò, chúc chủ nhà "mở cửa gặp may". Bữa tiệc đón mừng năm mới bắt đầu từ 8h tối Giao thừa đến sáng sớm hôm sau mới kết thúc. Nửa đêm, người Anh lắng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang, cùng nhau chạm cốc, hát hò và nhảy múa trong không khí tưng bừng, náo nhiệt đón mừng năm mới.
Với người Anh, trước thềm năm mới là thời điểm người người, nhà nhà đều tất bật mua rượu đổ đầy các chai, hũ, trong bếp thì chứa thật nhiều thịt. Người Anh cho rằng, nếu rượu thịt trong nhà không dư dả, năm mới sẽ gặp nhiều khó khăn, nghèo khổ. Ngoài ra, ở Anh còn lưu hành phong tục "lấy nước đầu năm mới". Mọi người đều tranh nhau đi lấy nước để được là người múc gáo nước đầu tiên trong những giờ phút đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Anh, người múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn suốt cả năm.
Theo Mai Anh (Giadinh.net.vn)