Năm con Chuột Canh Tý đã qua đi, năm mới Tân Sửu đã về mang theo nhưng niềm vui, hy vọng mới, sắc xuân đang ngập tràn khắp muôn nơi mang lại cảm giác yên bình, mới mẻ và hạnh phúc cho mọi người. Năm 2020 qua đi để lại những mất mát không đếm xuể, dịch bệnh thiên tai hoành hành khiến cuộc sống của người dân lao đao. Năm mới này, ai cũng hy vọng dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, người dân muôn nơi sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đủ đầy.
Nếu các quốc gia phương Tây xem Giáng sinh và năm mới dương lịch là dịp hội ngộ lớn nhất trong năm thì ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam chúng ta, lại vô cùng mong chờ dịp Tết cổ truyền để đoàn viên, sum vầy. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia lại có cách đón Tết độc đáo riêng rất thú vị trong năm mới.
Năm nay, người dân tại các quốc gia châu Á đón Tết trong một tâm thế hoàn toàn khác. Các cuộc tụ tập bị hạn chế, nhiều sự kiện đón năm mới bị hủy, không ít người không thể về nhà để sum họp khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Thế nhưng, dù không được "bung lụa" nhưng ai cũng muốn làm cho trọn vẹn đủ đầy những phong tục truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hóa, cầu may cho năm mới.
Trung Quốc
Tết truyền thống được gọi là “Xuân tiết” (Tết xuân), là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người dân Trung Quốc. Người Trung Quốc chủ yếu theo Phật giáo nên cúng tế luôn được xem là hoạt động cơ bản nhất. Mọi người cúng tế tổ tiên, trời đất để cầu mong được sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và tài lộc sẽ đến với gia đình mình.
Về hoạt động văn hóa: Năm mới ai cũng mang trong mình niềm vui phấn khởi, hân hoan nên nhiều người Trung Quốc thường tham gia các hoạt động văn nghệ như biểu diễn tuồng kịch, múa sư tử, hoặc đi chùa cầu may, tổ chức các trò chơi dân gian…
Nhiều người Trung Quốc thường tham gia các hoạt động văn nghệ như biểu diễn tuồng kịch, múa sư tử, hoặc đi chùa cầu may, tổ chức các trò chơi dân gian…
Có một phong tục đặc biệt của người Trung Quốc là nhà nào cũng dán hình hai vị thần giữ cửa trước nhà vì tin rằng lũ quỹ sẽ không dám đến quấy rầy.
Về ẩm thực: Với người dân Trung Quốc, bữa cơm tất niên, đoàn viên vào đêm Giao thừa rất quan trọng và theo truyền thống sẽ không thể thiếu món gà, cá và sủi cảo. Ở một số khu vực còn có phong tục thú vị là khi gói sủi cảo, người ta đặt một vài đồng tiền xu rửa sạch vào trong nhân bánh, người nào ăn trúng những cái bánh có đồng tiền xu thì sẽ gặp nhiều may mắn trong năm tới.
Nhiều món ăn Tết của người Trung Quốc có ý nghĩa may mắn như hoành thánh có ý nghĩa là “đầu tiên”, mì kéo có ý nghĩa là “trường thọ”, bánh tổ (Nian Gao) mang ý nghĩa chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ, luôn đi lên… Đặc biệt, tính theo 12 con giáp, khi đến năm tương ứng với con vật nào, người ta sẽ tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm.
Lì xì cũng là một phong tục đẹp trong dịp năm mới của người Trung Quốc. Trẻ em sau khi đến chúc tết ông bà cha mẹ sẽ được nhận những bao lì xì màu đỏ có một ít tiền, thể hiện sự may mắn và lời chúc ngoan ngoãn, học giỏi.
Hàn Quốc
Trong tiếng Hàn, Tết Nguyên đán gọi là Seollal hay Won Dan. Đối với người Hàn Quốc, Tết là thời điểm để các thành viên trong gia đình sum họp bên nhau, thờ cúng tổ tiên, thưởng thức những món ăn truyền thống và cầu chúc một năm mới hạnh phúc, tài lộc. Những người ở xa cũng cố gắng thu xếp để trở về quây quần bên gia đình, người thân, cầu chúc cho nhau một năm mới thật nhiều may mắn, niềm vui và hạnh phúc.
Các gia đình dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nhà cửa trước ngày 30 Tết. Buổi tối trước giao thừa, tất cả đều tắm gội bằng nước nóng để "tẩy trần" (tẩy sạch bụi trần). Trong đêm giao thừa, người ta sẽ đốt các thanh tre trong nhà vì tục truyền tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy. Người dân Hàn Quốc thường không ngủ trong đêm Giao thừa bởi theo truyền thuyết, nếu ngủ thì đến khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn.
Về hoạt động văn hóa: Ngày mùng Một Tết, mọi người đều mặc hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) và tiến hành nghi lễ cúng bái tổ tiên vào buổi sáng. Nghi lễ này gọi là Chesa, do trưởng nam trong nhà đứng ra thực hiện. Đồ cúng, rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà, trên đó cũng đặt các bài vị tổ tiên viết lên giấy sớ để đốt đi sau khi cúng. Sau khi chủ gia đình thắp hương, khấn mời tổ tiên, cả nhà sẽ cùng bái lạy làm lễ gọi là lễ Seba.
Về ẩm thực: Mâm cúng ngày mùng 1 Tết của người Hàn có khi tới hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có món chính là ttok-kuk (là một loại súp gạo với nước dùng bò hay gà), theo tiếng Hàn có nghĩa là "tăng xuân". Ăn xong ttok-kuk, năm mới mới thật sự bắt đầu. Các món ăn khác cũng hay dùng trong dịp Tết là bánh bao, bánh pindaettok (bánh tráng kếp đậu xanh) và sujonggwa (chè quế) hay shikhye (rượu nấu bằng gạo), chigae (các loại thịt hoặc cá thu nấu mềm), thịt viên bulgogi, bibim (cháo gạo nếp nấu với thịt bò và rau đậu)… và đương nhiên không thể thiếu kim chi.
Người Hàn Quốc cũng thường uống trà vào dịp Tết như trà thơm camip ướp lá cây hồng, trà saenggang ướp gừng, trà kyepicha ướp quế, trà insam trộn với sâm, đặc biệt nhất là trà omija chỉ có ở Hàn Quốc, có đủ cả năm vị ngọt, chua, mặn, cay và đắng.
Singapore
Những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.
Về hoạt động văn hóa: Vào dịp tết, người dân Singapore đi du xuân với nhiều hoạt động khác nhau như đến các đền chùa để lễ thần phật xin lộc đầu năm và cả năm mới, hoặc vãn cảnh ở các vườn hoa, công viên, khu di tích, danh thắng văn hóa, hoặc các khu vui chơi giải trí trong cả nước…
Về ẩm thực: Người Singapore rất thích ăn cá trong ngày Tết, cụ thể là món gỏi cá Yu Sheng. Vì cá trong tiếng Hoa có nghĩa là "dư" với mong muốn cả năm dồi dào tài lộc. Khi trộn gia vị, họ chú ý làm cho cá và thức ăn trong đĩa bồng lên, ví với sự nghiệp đang lên, gia đình phát tài và may mắn. Ngoài ra họ còn có tập quán ăn quýt, vì chữ quýt trong tiếng Hoa có phát âm na ná chữ cát trong từ "cát lợi".
Người Singapore rất coi trọng bữa cơm tất niên. Những thành viên của gia đình sống phân tán đều cố gắng về nhà đoàn tụ. Trong đêm 30 Tết âm lịch, mọi trẻ em ở đảo quốc Sư Tử thường được thức đón giao thừa, chúng thường đợi bố mẹ cúng giao thừa, cúng tổ tiên hoặc đốt pháo xong mới đi ngủ. Ngày đầu tiên của năm mới là ngày trẻ con đi chúc Tết ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác, cũng là "ngày phong bao" của chúng. Chúng sẽ được nhận các phong bao tiền mừng tuổi của bề trên.
Mông Cổ
Tết của người Mông Cổ gọi là Tết Tsagaan Sar, kéo dài từ ngày mùng Một cho đến ngày mùng Ba âm lịch trùng thời điểm với Tết cổ truyền của Việt Nam. Trong suốt những ngày đầu năm mới, người dân Mông Cổ thắp nến trên bàn thờ tổ tiên cả ngày lẫn đêm.Về hoạt động văn hóa: Ngày Bituun (30 Tết), người dân Mông Cổ tập trung dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón năm mới, thực hiện nghi thức rửa sạch chén bát với sữa ngựa. Vào tối Bituun, mọi thành viên trong gia đình đều tụ tập bên nhau để cùng tiễn năm cũ và đón năm mới.
Trong ngày Bituun này, người Mông Cổ cố gắng giải quyết rốt ráo mọi vấn đề khúc mắc, trả mọi khoản nợ nần và ăn thật no do họ tin rằng nếu còn đói, suốt năm mới sẽ bị đói. Vào thời khắc Giao thừa, người Mông Cổ thực hiện tục uống trà. Chén trà đầu tiên của năm mới sẽ được đem ra trước sân vẩy khắp 4 hướng, chén trà thứ hai dành cho chủ nhà, sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình.
Về ẩm thực: Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa cừu và sữa dê, thịt cừu nướng, mỳ vằn thắn, bánh buuz (giống như bánh bao), cơm ăn cùng với sữa đông hoặc ăn cùng nho khô… Họ uống sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa.
Theo L.T (Pháp Luật và Bạn Đọc)