* Hạt hướng dương
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hạt hướng dương chứa lượng lớn vitamin E, folate, selenium và đồng. Các dưỡng chất này góp phần ngăn ngừa các bệnh tim mạch, chống xơ vữa động mạch. Chỉ cần 30g đã cung cấp khoảng 90,5% nhu cầu vitamin E theo khuyến nghị.
Hơn nữa, 90% chất béo trong hạt hướng dương là chất béo không no, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, mọi người không nên ăn quá nhiều. Với những người đang bị ho, khản giọng, mất tiếng khi ăn làm ảnh hưởng xấu đến dây thanh quản, tình trạng sẽ càng nặng nề hơn.
Trong hạt hướng dương có thể chứa cadmium. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo giới hạn cadmium trong một tuần là 490 microgam. Mỗi ngày ăn khoảng 255gr hạt hướng dương, lượng cadmium ước tính trung bình tăng từ 65 mcg lên 175 mcg trong ngày đó. Ăn các loại hạt hướng dương mà tẩm ướp các loại gia vị sẽ thấy hiện tượng chướng bụng đầy hơi, lâu dễ dẫn tới bệnh liên quan đường tiêu hóa.
* Hạt dưa hấu
Theo BS dinh dưỡng CK2. Nguyễn Thị Thu Hậu (BV Nhi đồng 2), trong 100g phần ăn được của hạt dưa hấu cung cấp 557 kcal, với 47g chất béo, 28g đạm với nhiều acid amin thiết yếu và 15g bột (5g là chất xơ). Hạt còn cung cấp nhiều vitamin nhóm B, kali, sắt, kẽm … có tác dụng dưỡng da, chống oxi hóa, mệt mỏi và kích thích hệ thần kinh và hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
Tuy nhiên, vì loại hạt dưa hấu rất giàu năng lượng nên số lượng sử dụng cũng nên giới hạn để tránh nguy cơ tăng cân nhanh trong dịp lễ tết. Khi ăn, không uống nước đá hay bia rượu nhiều cùng lúc sẽ gây kích ứng họng do bản thân lượng chất béo trong hạt dưa cao. Ngoài ra, trẻ có nguy cơ nuốt sặc vào đường hô hấp nên ăn tránh để vương vãi hoặc để trong tầm tay của trẻ nhỏ, bảo quản tốt tránh sự phát triển của nấm mốc.
* Hạt bí
Cứ 100g hạt bí cho 446 kcal, 19g béo, 19g đạm và 54g bột. Hạt bí ngô có đủ các protein và khoáng chất như sắt, selen, canxi, vitamin E, beta caroten, tiền chất prostaglandin và một số axit amin khác.
Chứa nhiều dưỡng chất, hạt bí ngô rất tốt cho người bệnh thấp khớp, đặc biệt giống như một loại kháng viêm. Ngoài ra, hạt bí còn được nhắc đến với tác dụng phòng ngừa sỏi thận, bệnh tim mạch, tăng hoạt động của não… Để giữ nguyên các chất chỉ nên rang hạt bí ở 75º C trong 15-20 phút và bảo quản hạt trong lọ kín.
* Hạt điều
Theo nghiên cứu100g hạt điều cũng có 660 mg Kali, 6,7 mg sắt, 6mg kẽm, 2,2mg đồng, 19,9 mcg Selen, cung cấp 553 kcal, 18g đạm, 3,3g chất xơ, 30g chất bột đường. Các dưỡng chất trong hạt điều góp phần giảm nguy cơ bệnh tim mạch, giúp hệ cơ xương khỏe mạnh, có vai trò chống cao huyết áp, nhức đầu...
Dù hàm lượng chất béo không no một nối đôi oleic cao có tính ổn định tốt, khi bảo quản hạt điều nên chú ý dùng hũ chứa kín và để nơi khô, mát. Không nên ăn một lúc quá nhiều hạt điều vì sẽ dư năng lượng gây ra béo phì. Lượng oxalate trong hạt điều cao, ăn nhiều không thải trừ kịp sẽ gây ra sỏi thận và sỏi mật.
* Hạt dẻ cười
Cứ 100g hạt dẻ cười cho 571 kcal, 46g chất béo, 21,35g chất đạm, 27.6g bột đường, 10,3g chất xơ, Canxi 110mg, 120mg magne, 1042 mg Kali, 1,27g B6 và 1,84mg B1. Đây là lọai hạt chứa nhiều vitamin B6 nhất, có tác dụng cải thiện quá trình chuyển hóa protein và tăng cường miễn dịch và tốt cho hệ tiêu hóa do giàu chất xơ…
FDA khuyến cáo mỗi ngày ăn khoảng 42,5g hạt đậu như pistachio trong chế độ ăn ít chất béo bão hòa sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên thận trọng khi ăn hạt dẻ cười ở những người có tiền căn dị ứng đậu phộng.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mặc dù các loại hạt trên có giá trị dinh dưỡng cao nhưng không nên ăn quá nhiều vì dẫn tới hiện tượng chán ăn do ăn các thực phẩm này cảm giác lo lâu. Hơn nữa, các hạt dễ bị nấm mốc sinh ra các độc tố gây ung thư như aflatoxin, ozchatoxin… Bởi vậy cần bảo quản kín. Nếu mua hạt còn sống, mọi người nên rửa sạch bằng nước để ráo rồi mới rang chín.
Theo P.Thuận (Giadinh.net.vn)