Phòng thí nghiệm Vũ Hán: Sự kỳ vọng 42 triệu USD trở thành mối nghi ngờ rò rỉ virus, 2 yếu nhân 'biến mất'

14/09/2021 08:12:29

Phòng thí nghiệm Vũ Hán được kỳ vọng có thể giúp ngăn một đại dịch như dịch SARS nhưng Trung Quốc gặp một đợt dịch nghiêm trọng hơn mà phòng thí nghiệm này bị "tố" có liên quan.

Phòng thí nghiệm Vũ Hán: Sự kỳ vọng 42 triệu USD trở thành mối nghi ngờ rò rỉ virus, 2 yếu nhân 'biến mất'

 

Sự kỳ vọng

Vào buổi sáng một ngày tháng 2/2017, Yuan Zhiming, một nhà khoa học Trung Quốc đã giới thiệu với Thủ tướng Pháp khi đó là Bernard Cazeneuve phòng thí nghiệm vi sinh mới tại Vũ Hán.

Với sự hỗ trợ từ Pháp, đây là phòng thí nghiệm đầu tiên của Trung Quốc được xếp hạng an toàn sinh học cấp độ 4 (P4), thuộc nhóm các phòng thí nghiệm an ninh nhất thế giới. Yuan, giám đốc phòng thí nghiệm, đã nỗ lực hơn 1 thập kỉ để đưa điều này trở thành hiện thực.

Yuan và các đồng nghiệp của mình tại Viện Virus học Vũ Hán kì vọng với phòng thí nghiệm này, họ có thể ngăn ngừa một thảm hoạ giống như đợt bùng phát dịch SARS vào 2003, khiến chính quyền Bắc Kinh hứng chịu sức ép chỉ trích từ dư luận và sau đó Bộ trưởng Y tế bị cách chức.

Nhưng chỉ vài năm sau đó, Trung Quốc lại đối mặt với một đợt dịch còn nghiêm trọng hơn, và nhóm của Yuan đã không thể ngăn chặn nó. Tồi tệ hơn, có nhiều ý kiến nghi ngờ các nhân viên phòng thí nghiệm có thể đã liên quan đến việc bùng phát đại dịch.

Yuan đã ngay lập tức bác bỏ bất cứ sự liên hệ nào của phòng thí nghiệm đối với nguồn gốc của đại dịch Covid-19. "Phòng thí nghiệm Vũ Hán chưa bao giờ chứng kiến bất kỳ tai nạn rò rỉ virus hay để lây nhiễm sang người kể từ khi đi vào vận hành năm 2018", Yuan nói trong cuộc họp báo.

Các cơ quan tình báo Mỹ trong báo cáo được đưa ra vào tháng trước nói rằng virus này không phải là một loại vũ khí sinh học, đồng thời hiện vẫn chưa rõ liệu nó có nguồn gốc tự nhiên hay đến từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Báo cáo cũng cho rằng việc kết luận vấn đề trên là khó khả thi khi không có sự hợp tác từ Trung Quốc.

Đối với Yuan và các đồng nghiệp, điều đó đồng nghĩa với việc những mối nghi ngờ vẫn luôn tồn tại, và cùng với đó là sức ép thường trực.

"Sự hợp tác trong ngành virus học đã không còn", một nhà nghiên cứu nước ngoài đã làm việc nhiều năm với phòng thí nghiệm Vũ Hán nói khi đề cập đến sự căng thẳng về chính trị hiện nay.

"Vào lúc này, Trung Quốc sẽ không hoan nghênh các nhà khoa học nước ngoài bởi họ nghĩ rằng họ chỉ đến để đào bới dấu vết".

Phòng thí nghiệm P4 nằm ở ngoại ô khu công nghiệp phía Nam Vũ Hán, nơi gần như tách biệt khỏi các nhà máy đầy khói bụi, với diện tích ước tính tương đương 2 sân bóng đá. Dựa trên thiết kế của phòng thí nghiệm P4 tại Lyon, Pháp, toà nhà bao gồm 4 tầng: tầng trệt để xử lý chất thải, phòng thí nghiệm và phòng cho thú vật ở tầng 1, hai tầng trên là hệ thống các thiết bị để đảm bảo không khí lưu thông an toàn.

Những người đã đến thăm phòng thí nghiệm coi đây là một kiệt tác công nghệ, và trái ngược với vẻ già cỗi của những toà nhà khác trong Viện Virus học.

"Phòng thí nghiệm có những công nghệ mới và phức tạp nhất", Boris Klempa, một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Slovakia từng đến thăm nơi này vào 2017 nhớ lại.

Nhưng không phải mọi thứ đều được công khai cho công chúng. Khi một phóng viên của tờ Quảng Châu Hàng ngày hỏi vào năm 2018 loại virus nào được lưu giữ tại đây, Phó Giám đốc của phòng thí nghiệm, Song Donglin, cho biết "việc công bố các thông tin này phải được kiểm soát".

Ban lãnh đạo Viện Vũ Hán luôn yêu cầu các nhân viên về yêu cầu bảo đảm các bí mật quốc gia, đồng thời khuyến cáo họ về các gián điệp nước ngoài.

Jean-Pierre de Cavel, một chuyên gia người Pháp từng thực hiện các khoá đào tạo an toàn tại Viện Vũ Hán trong năm 2010, nói rằng các nhà khoa học Trung Quốc hi vọng sẽ sử dụng phòng thí nghiệm mới để nghiên cứu những dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao, như Ebola, sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF), hay bệnh đậu mùa.

"Họ mong muốn có một công cụ mạnh mẽ, một phòng thí nghiệm P4 như các nước khác, họ muốn là một trong số những người giỏi nhất", ông nói.

Tuy nhiên, phòng thí nghiệm này không được sử dụng để nghiên cứu virus Corona, vốn được xếp vào mức an ninh thấp hơn.

Hai yếu nhân quan trọng "biến mất"

Tại một hội thảo khoa học được tổ chức ở Barcelona vào năm 1986, nhà khoa học Đan Mạch Ole Skovmand gặp một đồng nghiệp trẻ người Trung Quốc tên Yuan Zhiming, lúc đó anh đang nghiên cứu cách để tiêu diệt các loài muỗi mang mầm bệnh sốt rét.

Skovmand, 73 tuổi, nhớ lại nghiên cứu của Yuan ở thời đó không phải điều gì quá đặc biệt, nhưng vẫn đủ sức gây ấn tượng để thuyết phục Skovmand giúp Yuan giành được học bổng tại Pháp và Đan Mạch.

Christina Nielsen-Leroux, giám đốc nghiên cứu tại Viện Quốc gia Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp cho biết Yuan là người quảng giao và hay nói. Theo bà, Yuan nhiều lần từng nhắc lại quãng thời gian ở châu Âu và nói về việc phải tạm gác việc nghiên cứu để tập trung vào xây dựng phòng thí nghiệm P4.

Một nhân vật khác cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Viện Virus học Vũ Hán, Shi Zengli, đồng nghiệp của Yuan và là người bắt đầu nghiên cứu các động dơi để tìm kiếm nguồn gốc SARS.

Shi nhỏ hơn Yuan một tuổi và cũng học tại Pháp. Năm 2004, nhóm của bà đã thu thập vật phẩm từ hơn 408 con dơi trên khắp Trung Quốc.

Sau 7 năm, Shi phát hiện một loại virus có liên hệ với SARS ở một hang động tại tỉnh Vân Nam. Nghiên cứu của nhóm sau đó được công bố vào năm 2013 đã khiến bà trở nên nổi tiếng và được biết đến với tên gọi "nữ người dơi".

Năm 2014, ở tuổi 50, Shi nhận khoản hỗ trợ 585.000 USD để tiếp tục nghiên cứu virus corona ở phía nam Trung Quốc. Ba năm sau, nhóm nghiên cứu thông báo đã phát hiện các mẫu gen virus SARS tại hang động ở Vân Nam - qua đó chứng minh nguồn gốc của dịch bệnh.

Trong khi đó, các nỗ lực kéo dài 13 năm của Yuan đã thành công khi phòng thí nghiệm P4 được chính thức vận hành vào 2017 với số vốn đầu tư lên tới 42 triệu USD. Chỉ một số ít trong số 300 nhà khoa học tại Viện Vũ Hán được đào tạo để vận hành cơ sở này, bao gồm Shi ở vai trò phó giám đốc.

Shi được thế giới biết đến vào ngày 23/1/2020, thời điểm nhà chức trách Trung Quốc phong toả Vũ Hán để ngăn ngừa một dịch bệnh mới. Trong tài liệu công bố, nhóm cho biết đã phát hiện một loại virus giống biến thể corona tới 96,2%.

Shi ban đầu lo ngại virus có thể đến từ trong phòng thí nghiệm, nhưng sau đó khẳng định điều đó không thể xảy ra khi đã kiểm tra lại các dữ liệu phòng thí nghiệm và toàn bộ nhân viên xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2.

Những người ủng hộ Shi cho rằng nếu có hành động che đậy, các nhân viên phòng thí nghiệm khó có thể giữ kín được bí mật này, nhất là trước sức ép từ các cơ quan tình báo Mỹ.

Yuan và Shi sau đó đã rút khỏi các hoạt động công khai. Mục "tin tức" trên website của Viện Vũ Hán từng điểm lại các hoạt động hợp tác quốc tế, giờ hầu như chỉ đăng các bài nghiên cứu phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nielsen-LeRoux cho biết lần cuối bà nghe đến Yuan là vào tháng 3/2020 khi Vũ Hán gần kết thúc phong toả.

"Chúng tôi đã có khoảng thời gian khó khăn để đối phó với dịch bệnh tại Vũ Hán", Yuan viết trong một email gửi bà. "Nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch với nỗ lực tập thể và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường".

Theo Minh Khôi (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)