Phong cách ngoại giao 'gần thù, xa bạn' của Trump

10/06/2018 06:29:48

Trong khi tỏ ra vồ vập với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ lại đưa ra chính sách áp thuế khiến các đồng minh nổi giận.

Phong cách ngoại giao 'gần thù, xa bạn' của Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 1/6. Ảnh: Reuters.

Phong cách ngoại giao không thể lường trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện rõ trong cuộc chạy đua đến hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong-un vào ngày 12/6 tại Singapore và chính sách áp thuế với các nước đồng minh mới đây, theo AP.

Sau một năm chế nhạo Kim Jong-un là "người tên lửa nhỏ bé" và khoe kích cỡ nút hạt nhân cùng lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên, Trump đột ngột đổi giọng trong những tháng gần đây, khi nói về mối quan hệ đầy triển vọng với Triều Tiên và đồng ý một cuộc họp chưa từng có trong lịch sử.

Tổng thống Mỹ dường như rất quyết tâm "thu phục" lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời tìm kiếm một thỏa thuận mà ông xem là thắng lợi lớn, ngay cả khi đó chỉ là hình thức, chứ không đưa ra chính sách cụ thể. 

Thậm chí sau khi tuyên bố hủy họp, Trump vẫn nói rằng hai nguyên thủ đã có "cuộc đối thoại tuyệt vời". Khi hội nghị trở về kế hoạch ban đầu, Trump rút lại cụm từ "gây áp lực tối đa" mà ông đưa ra nhằm mô tả các biện pháp trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng.

Sự háo hức của Trump với thượng đỉnh Mỹ - Triều hoàn toàn trái ngược với quyết tâm của ông trong việc áp thuế thép và nhôm với các đồng minh thân thiết như Pháp và Canada, khiến lãnh đạo các đối tác lâu năm của Mỹ giận dữ.

Chủ đề nổi bật trong chính sách đối ngoại 18 tháng đầu tiên của Tổng thống Mỹ là thực hiện các cam kết với cử tri trong chiến dịch tranh cử, ngay cả khi điều này gây tổn hại tới đồng minh.

"Ông ấy không quan tâm đến quan hệ với các đồng minh", chuyên gia đối ngoại Ian Bremmer nhận định. "Trong lịch sử nước Mỹ sau Thế chiến II, chưa từng có ai làm tổn hại tới các đồng minh Mỹ nhiều hơn Trump".

Giới quan sát đánh giá Trump là người đầy mâu thuẫn, có xu hướng công khai đe dọa các đồng minh lâu năm, nhưng lại gần gũi với kẻ thù và cự tuyệt mọi lời tư vấn. Sau gần hai năm cố gắng tìm hiểu "làn gió mới" trong chính trị này, nhiều nguyên thủ thế giới vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng mời Trump tới dự một cuộc duyệt binh nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh. Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tạo không khí thoải mái bằng cách mời Trump đi chơi golf và thưởng thức hamburger phong cách Mỹ.

Phong cách ngoại giao 'gần thù, xa bạn' của Trump - 1
Vợ chồng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và vợ chồng Trump sau lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Quốc khánh hôm 14/7/2017 tại Paris. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, những biện pháp "lấy lòng" này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả về chính sách. Macron đã bất thành trong việc thuyết phục Mỹ giữ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Abe cũng từng muốn Trump ở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời cảnh giác hơn với đề nghị họp thượng đỉnh của Kim Jong-un, nhưng thất bại.

Các quan chức Nhà Trắng cho rằng những lãnh đạo càng niềm nở với Trump thì càng hiếm khi đạt được mục đích. Có lẽ vì vậy mà các nguyên thủ dường như đang thay đổi chiến thuật. Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Trump hồi tháng 4, Thủ tướng Abe đã có cuộc đối thoại nảy lửa với Tổng thống Mỹ về vấn đề thuế quan. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng lên tiếng phản đối Mỹ sau lệnh áp thuế nhập khẩu thép.

Trong khi đó, Trump dành sự tập trung vào các đối thủ hơn là đồng minh, thể hiện qua việc tìm cách ngồi xuống bàn đàm phán với Kim Jong-un và thường xuyên ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Muốn chiếm ưu thế trước đối phương

Do gắn với hình ảnh người nổi tiếng và cứng rắn, Trump quan tâm sâu sắc tới việc chiếm ưu thế trong quá trình tiếp xúc với các lãnh đạo thế giới, đồng thời đánh giá cao những hành động mà ông coi là sự tôn trọng.

Điều này thể hiện trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Trump, khi Arab Saudi dành cho ông sự tiếp đón nồng nhiệt. Hơn 10 con ngựa được bố trí hai bên xe khi Trump dần tiến vào cung điện hoàng gia ở thủ đô Riyadh, cùng với những người chơi kèn trumpet và binh lính đứng nghiêm trang. Trump cho biết khung cảnh này "rất ấn tượng".

Trong các cuộc điện đàm, Trump yêu cầu các lãnh đạo thế giới phải thể hiện sự tôn trọng. Tổng thống Mỹ đòi hỏi Tổng thống Mexico Enrique Pena Niet phải trả tiền cho bức tường biên giới, gây khó xử cho Thủ tướng Theresa May khi kêu gọi bà phải hành động để ngăn chặn biểu tình khi ông tới Anh.

Trump hiếm khi để ý tới những thứ nhỏ nhặt. Khi nói đến các cuộc họp chính sách và đàm phán phức tạp, Trump có khả năng hành động theo cảm tính hơn là tuân theo một kế hoạch định sẵn. Ông từng thú nhận đã sai sót khi nói với Thủ tướng Justin Trudeau rằng Mỹ có thâm hụt thương mại với Canada. Đây là minh chứng rõ ràng cho phong cách dựa vào trực giác của ông, khiến các cố vấn phải đau đầu.

Ban cố vấn tiết lộ Trump không dành nhiều thời gian để chuẩn bị. Ông không thích các bản thảo hướng dẫn chi tiết mà muốn dựa vào bản năng và kinh nghiệm cá nhân nhiều hơn. Những người thân cận với Trump cho biết Tổng thống vẫn giữ nguyên phong cách này trong việc tiếp cận với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Theo Ánh Ngọc (VnExpress.net)

Nổi bật