Phó giáo sư đại học bị mất chức vì 'đấm vợ không trượt phát nào' hơn 1.000 lần kể cả lúc mang thai

12/07/2022 10:35:46

Người vợ sau đó đã đăng tải sự việc lên mạng xã hội khiến vị giáo sư bị đình chỉ việc giảng dạy và mất chức. Trước đó bà cũng cho biết người vợ đầu cũng rời bỏ chồng mình vì lý do tương tự.

Phó giáo sư đại học bị mất chức vì 'đấm vợ không trượt phát nào' hơn 1.000 lần kể cả lúc mang thai
Người phụ nữ cho biết cô đã bị lạm dụng hơn 1.000 lần suốt 7 năm kết hôn. Ảnh: Weibo

Một vị phó giáo sư họ Li ở miền Nam Trung Quốc đã bị cấm giảng dạy sau khi nhà trường nhận được đơn tố cáo từ vợ ông nói rằng vị này đã đánh cô hơn 1.000 lần trong suốt 7 năm họ kết hôn kể cả khi người vợ đang mang thai.

Trường Kinh tế của Đại học Quảng Tây sau khi điều tra sự việc cũng đã cách chức vị phó giáo sư Li Zhi trong một tuyên bố được đăng tải hôm Chủ Nhật 10/7. Ngay khi biết tin, người vợ của ông là cô Tang Ping cũng đã đăng tải sự việc lên mạng xã hội để kể về việc cô là nạn nhân của vấn nạn bạo lực gia đình trong hầu hết cuộc hôn nhân kéo dài đã 8 năm qua.

Tuyên bố từ Đại học Quảng Tây thuộc khu tự trị dân tộc Choang cho biết: "Chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho hành vi như vậy một khi những thông tin đã được kiểm chứng." Nhà trường cũng cho biết hành vi mà vị Phó giáo sư Li bị cáo buộc là vi phạm quy tắc ứng xử của nghề giáo.

Tuy nhiên hiện Phó giáo sư Li vẫn chưa phải đối mặt với bất cứ cáo buộc nào. Trường đại học không tiết lộ chi tiết về cuộc điều tra, nhưng cô Tang đã đăng một lượng đáng kể những bằng chứng cáo buộc thói bạo hành của chồng mình, chẳng hạn như ảnh và hồ sơ y tế, lên mạng xã hội.

Phó giáo sư đại học bị mất chức vì 'đấm vợ không trượt phát nào' hơn 1.000 lần kể cả lúc mang thai - 1
Cô Tang đăng thêm bằng chứng về vết thương mà cô nói chồng mình gây ra. Ảnh: Weibo

Cô Tang kết hôn với chồng mình vào năm 2014, tuy nhiên tháng 5 vừa qua cô đã đăng một bài viết dài lên trang cá nhân với nhiều bức ảnh cho thấy mình đã bị thương với lý do bị chồng làm dụng liên tục bắt đầu từ năm 2015. Tang cho biết, cuộc hôn nhân của cô kéo dài trong bạo hành cả về thể xác lẫn lời nói ít nhất là 1.000 lần ngay cả thời điểm cô đang mang thai đứa con thứ hai, ngoài ra không dưới 20 lần cô đã bị chồng đánh đến chảy máu hoặc thâm tím.

Giải thích về việc mình giữ im lặng cho đến tận bây giờ mới công bố sự việc, Tang cho biết bản thân vẫn cho rằng mình chưa đủ tốt với chồng nên đành cam chịu. Một vài lần Tang cũng đã gọi cảnh sát, tuy nhiên sự dứt khoát chỉ đến vào năm ngoái khi cô đã tìm biện pháp để ly hôn với người chồng vũ phu.

"Tôi chỉ có thể sống sót nếu như rời xa anh ấy." Tang chia sẻ.

Một tòa án địa phương ở Nam Ninh, thủ phủ của khu tự trị tỉnh Quảng Tây đã ban hành một sắc lệnh bảo vệ an toàn cá nhân cho cô Tang hồi năm ngoái trong quá trình chờ giải quyết vụ ly hôn.

Về phía vị Phó giáo sư Li, người này đã phủ nhận toàn bộ cáo buộc của vợ hồi tháng 5 nhưng từ đó đến nay ông không đưa ra thêm bình luận gì. Hồ sơ cho biết, trước khi cưới Tang, ông Li cũng đã có một cuộc hôn nhân ngắn với một người phụ nữ cũng họ Li, tuy nhiên đời sống vợ chồng của cả hai đã kết thúc cũng bởi lý do người vợ đưa ra những cáo buộc bạo lực gia đình, đây là thông tin nằm trong lệnh bảo vệ được tòa án cấp cho vợ cũ của ông Li hồi năm 2013.

Tang cho biết, cô đã bị cấm không tiếp xúc với hai người con của mình là một bé gái 8 tuổi và một cậu con trai năm nay mới lên 3 kể từ khi cô ly hôn với chồng. "Li Zhi đã đánh đập tôi khi tôi tình cờ đến thăm con gái và sau đó không cho tôi liên lạc với các con." tang chia sẻ trong một bài đăng cuối tháng trước. “Tôi muốn có quyền nuôi con và tài sản mà tôi đáng phải được hưởng. Tôi đánh giá cao bất kỳ sự giúp đỡ nào từ sự giúp đỡ của cộng đồng.”cô viết.

Bạo lực gia đình xưa nay vẫn được coi là “chuyện trong nhà” và các cơ quan chức năng hay cá nhân rất ngại can thiệp. Nhưng vấn đề này đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận Trung Quốc bởi ngày nay nhận thức của người dân đã được nâng cao sau hàng loạt vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Câu chuyện nổi bật về vấn đề này được đăng tải sau khi một phụ nữ Tây Tạng tên là Lhamo bị chồng cũ thiêu chết khi đang phát sóng trực tiếp cuộc nói chuyện với người hâm mộ vào năm 2020, gây ra một làn sóng phẫn nộ trên toàn Trung Quốc. Người đàn ông này đã bị một tòa án ở Trung Quốc kết án tử hình sau đó vì tội giết người vào năm ngoái.

Bình Minh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật