Mở rộng để tránh bỏ lọt đối tượng
Chiều 14/6, tại buổi thảo luận về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều đại biểu đã quan tâm, tranh luận về nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng”.
Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) cho rằng, việc mở rộng đối tượng bạo lực như vậy của dự thảo Luật là rất phù hợp, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế.
“Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp không phải là vợ, chồng nhưng sống chung như vợ, chồng. Thậm chí việc bạo hành con riêng xảy ra thời gian gần đây rất thương tâm, đã có trường hợp trẻ bị bạo hành dẫn tới tử vong, gây bức xúc dư luận.
Nếu không quy định hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với các đối tượng người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ, chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng chắc chắn sẽ bỏ lọt đối tượng gây ra hành vi bạo lực gia đình”, đại biểu Hương nêu.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ “thành viên gia đình” để áp dụng trong phạm vi luật này, khái niệm cần làm rõ các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trái ngược với Luật hôn nhân gia đình
Tranh luận với đại biểu Vương Thị Hương, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho hay, việc mở rộng đối tượng như vậy là mâu thuẫn và trái ngược với quy định trong Luật Hôn nhân gia đình. Theo Luật này, gia đình và thành viên của gia đình là những người có mối quan hệ hôn nhân và huyết thống 3 đời.
Từ đó, nếu chúng ta thừa nhận hành vi này là hành vi bạo lực gia đình, thì vô hình trung chúng ta thừa nhận những mối quan hệ hôn nhân không hợp pháp.
“Những mối quan hệ như thế này đang bị xã hội rất lên án và mối cũng là những nguyên nhân gây ra những vụ bạo lực với trẻ em khi phải sống chung với người tình của mẹ hoặc người tình của bố. Trong thời gian vừa qua thì những hành vi đó là xảy ra đã được xử lý, điều chỉnh bằng các luật tương ứng khác mà không phải điều chỉnh bằng luật này”, đại biểu cho hay.
Từ phân tích đó, đại biểu đề nghị bỏ quy định mở rộng đối tượng bạo lực này. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cũng cho rằng, người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ, chồng không được xác định là thành viên trong gia đình. Như vậy, việc mở rộng phạm vi áp dụng của hành vi bạo lực gia đình đối với đối tượng không phải là thành viên gia đình, không thống nhất với khái niệm bạo lực gia đình quy định tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo.
Đại biểu cho rằng phòng, chống bạo lực gia đình chỉ nên áp dụng trong phạm vi các quan hệ gia đình, không nên mở rộng đối với trường hợp đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng, trừ trường hợp được pháp luật công nhận hôn nhân thực tế. Nhất là đối với trường hợp người đã ly hôn thì không còn phát sinh quan hệ hôn nhân, nếu có hành vi bạo lực thì sẽ do pháp luật về lĩnh vực khác điều chỉnh.
Tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho biết, khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật quy định: hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa đủ, chưa bao quát phản ánh hết các thực tế về bạo lực gia đình. Nêu thực tiễn về nhiều vụ việc đau lòng khi chính cha ruột, bố dượng, mẹ kế, người yêu của những người đã ly hôn gây ra cho con riêng của vợ, của chồng hoặc con, của người yêu, đại biểu cho rằng cần phải điều chỉnh hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều 4 cũng được áp dụng đối với thành viên trong gia đình của những người đã ly hôn.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) cho rằng, rất khó để xác định như thế nào là cuộc sống chung, thời gian bao lâu, hình thức thế nào, khi nào bắt đầu, khi nào kết thúc và rồi coi nhau như vợ chồng thì có cần phải công khai và công khai đến mức nào. Tóm lại cần có quy định về dấu hiệu để xác định thế nào là sống chung như vợ chồng để có căn cứ áp dụng quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nếu vẫn để ở khoản 2, Điều 4.
Theo Mai Loan (Kienthuc.net.vn)