Khi Hà Lan ban hành lệnh phong tỏa toàn diện vào giữa tháng 3/2020, khu phố đèn đỏ tại Amsterdam bỗng nhiên trở nên hoang vu khủng khiếp chỉ sau 1 đêm. Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn cực mạnh vào ngành công nghiệp vốn rất nổi tiếng của xứ sở hoa Tulip, để lại ít nhất là hơn 300 cô "gái làng chơi" hợp pháp rơi vào cảnh không có thu nhập trong gần 4 tháng qua.
De Wallen - khu phố đèn đỏ có lịch sử lâu đời bậc nhất Amsterdam vốn luôn sống dựa vào khách du lịch. Mỗi tháng, De Wallen tiếp đón hàng triệu lượt khách. Nhưng cũng giống như bao ngành nghề khác, Covid-19 đã khiến các nhà thổ tại đây gặp khó khăn trăm bề về mặt tài chính, đồng thời tạo ra một cuộc tranh cãi lớn liên quan đến tương lai của ngành công nghiệp sex Hà Lan.
Felicia Anna là một gái mại dâm người Romania, cũng là nhà sáng lập hội Liên hiệp Đèn đỏ (Red Light United - công đoàn dành cho gái mại dâm, đại diện cho hơn 110 phụ nữ trong ngành này). Cô cho biết khi lệnh phong tỏa mới được ban hành, nhiều cô gái đã lựa chọn trở về quê hương - thường là ở những quốc gia tại Đông Âu. Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ chọn cách ở lại, làm "chui", không thông báo với chính quyền.
"Bởi họ cũng không còn lựa chọn nào khác," - Anna cho biết.
Gái mại dâm tại Hà Lan trên thực tế có đủ điều kiện để nhận được trợ cấp từ chính phủ (bởi họ có đóng thuế). Tuy nhiên theo Anna, khoản tiền 1.100 euro (khoảng gần 29 triệu đồng) mỗi tháng thực sự không thể đủ, nếu xét đến giá cả chi tiêu đắt đỏ tại trung tâm thủ đô.
"Tôi có 7 khách trong tuần đầu tiên phong tỏa, nhưng họ đến rồi đi chỉ trong 1 ngày. Tuần ấy tôi nhẩm tính mình mất khoảng 1300 euro thu nhập. Sau đó thì cũng không đếm nữa, vì chẳng còn gì," - Anita, một phụ nữ làng chơi 56 tuổi cho biết. Tên của cô đã được thay đổi để bảo toàn danh tính.
Khi nhà thổ phá sản
"Một số cô gái đã bỏ việc. Họ sợ bị nhiễm bệnh, và cũng sợ rằng thu nhập không được đảm bảo," - Eric Hamaker, ông chủ của Red Light Tax - công ty phụ trách quản lý tài chính cho gái mại dâm tại Hà Lan.
Chính phủ Hà Lan hiện đã bật đèn xanh cho phép các nhà thổ tái hoạt động vào đầu tháng 7, dù trước đó thông báo phải đóng cửa đến tận tháng 9.
"Nếu là tháng 9, có lẽ tôi sẽ phải tìm một công việc khác, và nhiều chủ nhà thổ cũng rơi vào cảnh phá sản," - Anita cho biết.
Để quay trở lại hoạt động, các cô gái làng chơi được khuyến khích hỏi khách hàng về việc liệu họ có triệu chứng nhiễm Covid-19 hay không. Các quy tắc an toàn vệ sinh mới được ban hành, bao gồm việc rửa tay, tắm rửa sạch sẽ, không hôn môi, hạn chế tiếp xúc mặt đối mặt.
Dẫu vậy tình cảnh vẫn thật ảm đạm, bởi du lịch vẫn đang đóng băng. "Khi không có du khách, thực sự rất khó để các cô gái kiếm được đủ thu nhập," - Hamaker nhận định. Ước tính, 70% thu nhập "phố đèn đỏ" đến từ khách du lịch.
Dấu chấm hết cho "Disneyland" 18+?
Trước khi đại dịch xảy ra, Amsterdam mỗi năm phải gồng mình tiếp đón lượng du khách cực lớn tới đây. Câu chuyện không đơn giản là tiền, mà còn nỗi bất mãn của cư dân địa phương trước những du khách ồn ào, ưa xả rác và có những hành động khiếm nhã.
Thế rồi khi khu phố trở nên vắng lặng, những cư dân địa phương chợt nhận ra một Amsterdam quá khác. Họ cảm thấy thoải mái hơn trong bầu không khí này, và đang kêu gọi một sự thay đổi toàn diện.
Hơn 30.000 cư dân tại Amsterdam đã cùng ký vào bản kiến nghị có tựa đề "Amsterdam được quyền lựa chọn," với nội dung yêu cầu nhà chức trách cải thiện cuộc sống cư dân tại trung tâm thành phố. Họ đòi hỏi phải hạn chế lượng du khách qua đêm chỉ ở mức 12 triệu. Nghe thì lớn, nhưng cần biết rằng năm 2019 con số lên tới gần 19 triệu du khách.
"Trong thời điểm phong tỏa, mọi người đã tự mình khám phá lại thành phố này. Họ nhận ra sự phụ thuộc của nền kinh tế nội đô vào khách du lịch," - Martijn Badir, nhà kinh tế chính trị viết ra bản kiến nghị.
"Chúng tôi không phản đối du khách, nhưng hội đồng thành phố cần phải cân bằng hơn giữa người địa phương và khách du lịch, cũng như lựa chọn hình ảnh nào để quảng bá thành phố này sau khi kết thúc khủng hoảng."
"Cư dân Amsterdam hi vọng rằng thành phố sẽ không trở lại đông đúc như một công viên giải trí của Disney, như những gì từng xảy ra trước đó," - Hamaker bổ sung.
Hội đồng thành phố từ chối đưa ra lời bình luận khi CNN tiếp cận. Tuy nhiên, những người lao động trong ngành công nghiệp sex của Hà Lan lại nghĩ khác. Họ cho rằng ngành công nghiệp này đang bị đối xử bất công, trong khi nó không phải mấu chốt của vấn đề.
"Mại dâm không phải là nguyên nhân gây ra sự hỗn loạn này. Nguyên nhân là vì các nhà lập pháp, và vì vé máy bay tới đây quá rẻ," - Anita thẳng thắn nói, đồng thời cho rằng việc cải tổ khu phố đèn đỏ sẽ không giải quyết được vấn đề gì hết.
"Du khách sẽ lại tới. Bạn không thể ngăn họ được, trừ phi xây một bức tường bọc quanh Amsterdam," - Anna chia sẻ.
Những khách sạn "làng chơi"
Trước khi có lệnh phong tỏa, thị trưởng Amsterdam - bà Femke Halsema đã cân nhắc về một cuộc cải tổ lớn tại phố đèn đỏ, nhằm giảm thiểu các hành vi gây rối, cũng như đảm bảo an toàn hơn cho phụ nữ làng chơi. Tháng 5/2020, Halsema nhận định đại dịch đã mang đến cơ hội thích hợp để thành phố "suy nghĩ nhiều hơn về tương lai khu trung tâm."
Halsema vẽ ra 4 kịch bản cho khu phố này, từ việc giảm thiểu lượng gái mại dâm, giảm số nhà thổ, cho đến chuyển "nơi làm việc" của họ sang một địa điểm khác. Bà đề xuất việc mở các "khách sạn mại dâm" bên ngoài khu trung tâm, và việc tìm địa điểm đang được tiến hành. Hội đồng thành phố dự tính sẽ bỏ phiếu cho đề xuất này vào cuối mùa hè năm nay.
Một số quy định mới cũng được ban hành, như việc các đoàn du lịch theo tour sẽ không được phép dừng lại trước cửa sổ nhà thổ (một loại hình khá nổi tiếng tại Amsterdam, nơi các cô gái làng chơi đứng trong khung cửa kính để khách chọn lựa). Ngoài ra, mọi hình thức chụp ảnh họ đều bị cấm.
Dẫu vậy, các quy định đang khiến "người trong cuộc" cảm thấy bất an. Nhiều gái mại dâm lo sợ viễn cảnh phố đèn đỏ đóng cửa, và họ phải chuyển đến một nơi xa trung tâm để làm việc.
"Như vậy thì rất nguy hiểm. Khi bạn tan ca làm lúc 5h sáng, nguy cơ cướp bóc hoàn toàn có thể xảy ra," - Anita cho biết. "Chúng tôi không muốn chuyển tới làm ở khách sạn. Ở đây có đông người, và nó khiến công việc được an toàn hơn." Thêm vào đó, việc dời nơi làm việc có thể gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của họ, vì nó phụ thuộc khá nhiều vào khách vãng lai.
"Các chủ nhà thổ đang rơi vào tình cảnh khá nhạy cảm. Họ sợ sẽ mất đi sinh kế. Hiện tại một số người đã quyết định rao bán nhà thổ của mình," - Hamaker chia sẻ. Ông cho rằng, tình cảnh này là cơ hội khá tốt để nhà chức trách thúc đẩy một sự thay đổi, nhằm cứu vãn một ngành công nghiệp giàu lợi nhuận.
Theo J.D (Trí Thức Trẻ)