Đêm giao thừa năm 1791, Hoàng đế Càn Long lúc này đã 81 tuổi đã truyền Du Quý phi (78 tuổi) đến thị tẩm. Sau khi nghe lời này, thái giám đứng lặng người, tưởng mình nghe nhầm liền dè dặt hỏi: "Du Quý phi đã 78 tuổi rồi, hoàng thượng có muốn chọn một phi tần trẻ hơn không?". Không ngờ Càn Long nổi giận quát: "Tối nay trẫm chỉ muốn ở cùng Du Quý phi!".
Vậy Du Quý phi là ai? Tại sao Càn Long ở tuổi bát tuần, lại không chọn mỹ nhân khác mà lại chọn vị phi tần này?
Lúc bấy giờ, Du Quý phi đã bị thất sủng mấy chục năm. Càn Long cũng đã hơn mười mấy năm không bước chân vào cung của bà. Thế nhưng vào thời điểm giao thừa ông lại nhớ đến Du Quý phi.
Câu chuyện bắt đầu từ Du Quý phi và con trai của bà. Ai cũng biết Càn Long là một vị hoàng đế đa tình. Cả đời ông có vô số phi tần, chưa kể đến những người con gái dân gian được ông sủng ái trong những chuyến vi hành xuống Giang Nam. Trong số rất nhiều người phụ nữ đó, Du Quý phi thực sự là người đã bầu bạn với Càn Long lâu nhất.
Khi Càn Long còn là Bảo Thân vương Hoằng Lịch, bà đã được gả cho ông với thân phận Cách cách, tức hàng thiếp hầu có địa vị thấp trong phủ đệ. Du Quý phi vốn tính tình tao nhã, thanh cao, không thích tranh giành đấu đá chốn hậu cung, cũng chưa từng nói xấu phi tần khác. Vì vậy, mỗi khi muốn được yên tĩnh, Càn Long thường thích đến chỗ bà.
Thuở thiếu thời vợ chồng son, tình cảm mặn nồng, hai người đã có một khoảng thời gian lãng mạn bên nhau và có Ngũ a ca Vĩnh Kỳ.
Có thể nói, Vĩnh Kỳ là một trong những người con trai mà Càn Long yêu quý nhất. Khác với hình tượng trong phim "Hoàn Châu Cách Cách", Vĩnh Kỳ ngoài đời là người văn võ song toàn, mưu lược hơn người, thông minh xuất chúng. Do đó, Càn Long luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho người con trai tài giỏi này.
Sau đó, một sự việc xảy ra càng khiến Càn Long thêm yêu quý con trai mình. Một đêm nọ, cung điện của Càn Long bất ngờ bốc cháy. Thông thường, cung của Càn Long đều có người canh gác. Các hoàng tử cũng thường xuyên thay phiên nhau đến đây trực đêm để lấy lòng hoàng thượng.
Đêm hôm đó, người canh gác là Tứ a ca Vĩnh Thành. Tuy nhiên, trong thời khắc nguy cấp, Vĩnh Thành đã không thể hiện được vai trò của mình. Không những không phát hiện sớm đám cháy, mà còn bị mắc kẹt cùng Càn Long trong cung.
Lúc này, Vĩnh Kỳ phát hiện ra sự việc bất thường đã xông vào cung, cõng Càn Long ra khỏi đám cháy. Khi Vĩnh Kỳ quay lại cứu Tứ a ca Vĩnh Thành thì phát hiện anh ta đã tự mình chạy thoát. Sau chuyện này, Càn Long càng yêu thương Vĩnh Kỳ hơn. Thêm vào đó, Vĩnh Kỳ thừa hưởng tính cách khiêm tốn, kín đáo của mẹ, không bao giờ gây chuyện thị phi, làm phiền Càn Long. Do đó, chàng dần trở thành một trong những người con trai thân cận và được Càn Long tin tưởng nhất.
Theo ghi chép trong Thanh sử cảo, năm Vĩnh Kỳ cõng Càn Long ra khỏi đám cháy là năm Càn Long thứ 28. Đến năm Càn Long thứ 30, chàng đã được phong làm Hòa Thạc Vinh Thân vương. Chữ "Vinh" trong tước vị của Vĩnh Kỳ không giống với chữ "Vinh" đại diện cho xuất thân hiển hách mà Tứ a ca sau này được ban. Chữ "Vinh" mà Càn Long ban cho Vĩnh Kỳ mang ý nghĩa được hưởng ân sủng sâu sắc của hoàng đế, vinh quang hiển hách.
Cần biết rằng, tước vị Thân vương của Vĩnh Kỳ được phong khi còn sống chứ không phải truy phong sau khi mất. Trong số rất nhiều hoàng tử của Càn Long, chỉ có ba người được hưởng đặc ân này, ngoài Vĩnh Kỳ còn có Thập nhất a ca và sau này là Hoàng đế Gia Khánh.
Tiếc thay, Vĩnh Kỳ sức khỏe không tốt, tuổi trẻ đã mắc bệnh, sau đó bệnh tình ngày càng trầm trọng rồi qua đời.
Cũng sau khi Vĩnh Kỳ qua đời, Càn Long gần như không còn triệu kiến Du Quý phi nữa. Nhiều người phỏng đoán, Càn Long vì mất đi người con trai yêu quý, sợ gặp mẹ của con trai sẽ xúc cảnh sinh tình nên mới cố ý tránh mặt Du Quý phi.
Điều này cũng không phải là không có lý, bởi vì ai cũng có những chuyện không muốn đối mặt. Có lẽ cái chết của Vĩnh Kỳ là điều mà Càn Long day dứt mãi không quên. Khi bàn luận với các đại thần, ông cũng thường bày tỏ sự yêu mến và tiếc nuối cho người con bạc mệnh.
Giải quyết khúc mắc
Tối hôm đó, Càn Long triệu kiến Du Quý phi không phải vì chuyện nam nữ. Lúc này, Càn Long đã 81 tuổi, đã là độ tuổi xưa nay hiếm ở thời đó. Vào đêm giao thừa, ông cũng không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày xưa cũ, những điều quý giá, những người quan trọng đã từng hiện diện trong cuộc đời ông thời trai trẻ.
Giờ đây, những điều đó đều dần dần biến mất theo năm tháng và sức khỏe của ông. Càn Long muốn tìm một người đã cùng ông trải qua những năm tháng dài nhất để cùng nhau ôn lại những ân oán tình thù, những tháng ngày đã qua.
Du Quý phi chính là người phụ nữ đã dùng cả cuộc đời để bầu bạn với Càn Long lâu nhất. Tình cảm giữa hai người có lẽ đã giống như người thân, quá đỗi quen thuộc với nhau. Dù không còn sự rung động, yêu thương như thời trẻ, nhưng họ lại giống như đôi bạn già, ngồi lại tâm sự cùng nhau.
Sau đó, hai người đã trò chuyện rất vui vẻ. Cuộc trò chuyện này cũng khiến Du Quý phi trút bỏ được gánh nặng trong lòng. Không lâu sau lần triệu kiến này, Du Quý phi an nhiên qua đời, được an táng theo nghi lễ của Hoàng quý phi, hưởng trọn vinh hoa phú quý.
Theo Nguyệt Phạm (Nguoiduatin.vn)