Cơ quan chịu trách nhiệm về sức khoẻ quốc gia cho biết 3 trường hợp đã được ghi nhận tại thủ đô Lima trong chiến dịch tiêm chủng đại trà bắt đầu vào tháng 3. Phát ngôn viên Bộ Y tế Arturo Granados cho biết: “Ba trường hợp này đã được xác minh đầy đủ thông tin cả về danh tính và địa điểm".
Ông Granados từ chối tiết lộ danh tính các y tá liên quan.
Các nhà chức trách đã không công bố động cơ cho sự cố tiêm chủng này, mặc dù Tổng thống Peru Francisco Sagasti hôm 11/5 đã tuyên bố rằng sự kiện này “là một điều rất đáng lo ngại và thậm chí có thể cấu thành tội danh hình sự trong một số trường hợp”.
Anh Miguel Olave chia sẻ với tờ El Comercio của Peru rằng mẹ anh, bà Margarita Moreno, đã được tiêm vaccine vào ngày 30/4.
Anh nhận thấy y tá lúc đầu đã tiêm cho mẹ anh bằng một ống tiêm trống không. Sau khi bị phản đối, y tá đã chuyển sang sử dụng ống tiêm có chứa vaccine.
Các trường hợp ống tiêm rỗng xảy ra sau một vụ bê bối khác vừa xảy ra ở Peru khi có thông tin tiết lộ rằng gần 500 người được ưu tiên đã bí mật tiêm vaccine, bao gồm cả Tổng thống khi đó là Martin Vizcarra, vợ ông và đại diện ngoại giao của Giáo hoàng Francis ở Peru, Nicola Girasoli.
Với dân số 33 triệu người, Peru đã ghi nhận khoảng 1,8 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 64.000 ca tử vong. Chiến dịch tiêm chủng đại trà sử dụng vaccine của các hãng dược phẩm như Sinopharm, Pfizer và AstraZeneca, hiện đang diễn ra chậm chạp khi chỉ khoảng 2,2% dân số đã được tiêm hai liều vaccine. Chiến dịch này đang tiến hành tiêm những người trên 70 tuổi. Sự chậm trễ này đã thôi thúc nhiều người giàu có hoặc quyền lực bay đến Mỹ để tiêm vaccine.
Theo Thu Ngọc (Doanh nghiệp & Tiếp thị)