Một ngày trước đó, Washington tuyên bố sẽ gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Kiev, trong khi Berlin cho biết sẽ chuyển giao 14 xe tăng Leopard 2.
Trong một nỗ lực nhằm kêu gọi sự ủng hộ đối với Ukraine, Ngoại trưởng Đức Baerbock nói trước Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (PACE) rằng Liên minh châu Âu (EU) phải hành động theo từng bước “bởi vì chúng ta đang chiến đấu chống lại Nga chứ không phải chống lại nhau”.
“Chúng tôi và tất cả các đối tác đều không có chiến tranh với Nga”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Anne-Claire Legendre cho biết hôm 26/1. “Việc cung cấp thiết bị quân sự không đồng nghĩa với hành động tham chiến.”
Khi được yêu cầu làm rõ những bình luận của mình, Bộ Ngoại giao Đức nói rằng Nga đã phát động một “cuộc xung đột” chống lại Ukraine. Trong khi đó, luật pháp quốc tế ghi rõ rằng việc Berlin ủng hộ “quyền tự vệ cá nhân của Kiev, được đảm bảo bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc, không biến Đức trở thành một bên trong cuộc xung đột”.
Hôm thứ Tư, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne nói với quốc hội rằng chính phủ của bà “đang tiếp tục phân tích” về đề xuất gửi xe tăng Leclerc tới Ukraine. Pháp đã hứa sẽ gửi cho Kiev một số "xe tăng hạng nhẹ" AMX-10 hồi đầu tháng này.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã đến thăm Ukraine vào thứ Năm, gặp người đồng cấp Dmitry Kuleba ở Odessa để “thể hiện sự hỗ trợ lâu dài của Pháp”, “đánh giá các nhu cầu cấp thiết của Ukraine trong lĩnh vực nhân đạo và quân sự để đưa ra các phản ứng cụ thể”.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)