Hôm 25/1, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ gửi 31 xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams cho Ukraine, sau khi Đức thông báo bắt đầu quá trình chuyển giao xe tăng Leopard cho chính quyền Kiev.
RT đưa tin, nhấn mạnh Abrams là “xe tăng có năng lực nhất trên thế giới”, ông Biden cho biết do quá trình hoạt động và bảo dưỡng loại xe tăng này phức tạp, nên Washington sẽ cung cấp “các linh kiện và thiết bị cần thiết để đảm bảo hiệu quả của xe tăng ở vùng chiến sự”.
Cũng theo ông Biden, xe tăng Abrams chỉ là vũ khí “phòng vệ” nên không phải là mối đe dọa đối với Nga.
Trước đó, cũng vào ngày 25/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay Berlin sẽ đưa 14 xe tăng Leopard 2A6 tới Ukraine, cũng như cho phép các quốc gia EU và NATO làm điều tương tự.
Ukraine thừa nhận rút khỏi Soledar
Hôm 25/1, phát ngôn viên quân đội Ukraine Serhiy Cherevaty xác nhận với đài Suspilne rằng các lực lượng Ukraine đã rút khỏi Soledar, sau gần hai tuần phía Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát thành phố nằm ở vùng Donetsk.
Theo ông Cherevaty, quyết định được đưa ra nhằm “bảo vệ tính mạng quân nhân”.
Trước đó, vào ngày 13/1, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã giành quyền kiểm soát Soledar. Điều này cho phép Nga cắt nguồn cung ứng của binh sĩ Ukraine, và cô lập lực lượng này trong thành phố Bakhmut.
Song ông Cherevaty khẳng định không có binh sĩ Ukraine nào bị bắt, bởi các lực lượng Ukraine đã bố trí để tránh bị bao vây.
Việc giành quyền kiểm soát Soledar cho phép các lực lượng quân sự Nga mà đặc biệt là lực lượng Wagner tập trung vào thành phố chiến lược Bakhmut, mục tiêu tấn công của Nga kể từ mùa hè năm 2022.
Mỹ tăng cường sản xuất vũ khí cho Ukraine
Lầu Năm Góc có kế hoạch tăng cường sản xuất đạn pháo 155mm gấp 6 lần trong vòng 2 năm tới.
Theo New York Times, Bộ Quốc phòng Mỹ được cho có kế hoạch thực hiện “nỗ lực hiện đại hóa tích cực” nhất trong gần 40 năm qua, giữa lúc Lầu Năm Góc muốn tăng cường sản xuất vũ khí cho Ukraine.
Những nỗ lực này bao gồm việc mở rộng các nhà máy và sự tham gia của những nhà sản xuất mới để đạt mức tăng 500% sản xuất đạn pháo trong vòng hai năm. New York Times nhấn mạnh động thái này sẽ đẩy hoạt động sản xuất đạn thông thường lên mức chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Triều Tiên vào đầu những năm 1950.
Trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Lục quân Mỹ đã sản xuất khoảng 14.400 đạn pháo mỗi tháng. Tuy nhiên, khi Kiev kêu gọi Washington và các quốc gia đồng minh trang bị thêm cho vũ khí và đạn dược, Lầu Năm Góc đã tăng gấp ba mục tiêu sản xuất vào tháng 9/2022, và tăng gấp đôi vào tháng Một năm nay với công suất hiện thời là 90.000 quả đạn/tháng.
New York Times cho biết thêm Bộ Quốc phòng Mỹ dự định chi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm trong vòng 15 năm tới để hiện đại hóa các cơ sở sản xuất vũ khí thuộc sở hữu của chính phủ, tăng cường khả năng tự động hóa và sản xuất đạn dược nhanh hơn.
“Trong các cuộc xung đột trước đây, chúng tôi có kho dự trữ đủ dùng. Nhưng trong thời điểm hiện tại, chúng tôi đang tìm cách tăng cường sản lượng để vừa duy trì kho dự trữ, vừa cung cấp cho đồng minh”, quan chức thu mua hàng đầu của quân đội Mỹ Douglas R. Bushin nói.
Theo Minh Thu (VietNamNet)