Trong khi cơ quan quản lý dược phẩm Hoa Kỳ đang chuẩn bị xem xét có phê duyệt chương trình tiêm mũi tăng cường hay không, Pfizer và Moderna cho biết khả năng bảo vệ của vắc xin ngừa Covid-19 của hãng này có thể sẽ suy yếu theo thời gian.
Trước khi cuộc họp quan trọng của Ủy ban tư vấn vắc xin thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm được diễn ra vào hôm thứ Sáu để thảo luận về đề xuất tiêm mũi tăng cường, hãng Pfizer đã đưa ra một nghiên cứu cho thấy rằng hiệu quả của vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian một cách tự nhiên, đối với bất kỳ biến thể nào.
Sarah Back, một y tá đang chuẩn bị liều vắcxin Pfizer-BioNTech trong một phòng khám do Quận Y tế Metropolitan của San Antonio ở Texas tổ chức vào tuần trước. Ảnh: Matthew Busch/The New York Times
Pfizer đã cung cấp các dữ liệu cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin sẽ suy giảm như thế nào sau 6-8 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ 2. Hiệu quả của vắc xin sẽ giảm khoảng 6% cứ mỗi 2 tháng sau khi tiêm liều thứ hai, có nghĩa là sẽ giảm từ 96,2% (sau tiêm 1 tuần) xuống 83,7% sau hơn 4 tháng sau đó.
Công ty cũng trích dẫn những dữ liệu về Israel cho thấy rằng mũi tiêm thứ 3 đã khôi phục khả năng bảo vệ lên tới 95% để chống lại Covid-19 ở đất nước này.
Ở một phía khác, Moderna cũng chia sẻ dữ liệu cho biết khả năng bảo vệ của vắc xin hãng này cũng giảm dần theo thời gian.
Stéphane Bancel, giám đốc điều hành của Moderna cho biết: "Khả năng lây nhiễm ở những người đã được tiêm phòng vào năm ngoái có nguy cơ tăng lên là một minh chứng cho việc suy giảm khả năng miễn dịch" và ông ủng hộ nhu cầu tiêm mũi tăng cường để duy trì mức độ bảo vệ cao.
Ủy ban cố vấn của FDA sẽ họp để quyết định xem có nên khuyến nghị cơ quan quản lý cho phép tiêm liều tăng cường BioNTech/Pfizer hay không và cho những đối tượng nào. FDA đã ký cam kết tăng cường liều vắc xin mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất cho những người có hệ miễn dịch kém.
Các tài liệu do FDA công bố cho thấy Pfizer đã yêu cầu các cơ quan quản lý phê duyệt một mũi tiêm tăng cường 6 tháng sau khi mọi người được tiêm mũi thứ hai. Trong một đánh giá riêng biệt về dữ liệu từ vắc xin của Pfizer, FDA cho biết mức độ kháng thể suy giảm ở những người được tiêm chủng có thể có liên quan đến sự gia tăng các ca bệnh xảy ra trong mùa hè khi biến thể Delta đã lan rộng.
Nhưng các quan chức cho biết dữ liệu không đưa ra kết luận về việc liệu khả năng ngăn ngừa lây nhiễm của vắc xin có giảm hay không, và điều này cũng dẫn đến những quan điểm trái chiều về việc liệu có cần tiêm thêm mũi tăng cường hay không. Trong một tài liệu tóm tắt cũng được công bố hôm thứ Tư, Cơ quan này cho biết: "Nhìn chung, các dữ liệu đã chỉ ra rằng vắc xin Covid-19 do Hoa Kỳ cấp phép hoặc được ủy quyền vẫn đủ khả năng bảo vệ để chống lại các biến chứng Covid-19 nghiêm trọng và giảm thiểu các ca tử vong ở Hoa Kỳ".
Angela Hwang, chủ tịch của Tập đoàn dược phẩm sinh học Pfizer cho biết từ các dữ liệu có sẵn, chúng ta cần tạo ra một chương trình tiêm chủng tăng cường để bảo vệ công chúng và giúp chấm dứt đại dịch càng sớm càng tốt.
Chính quyền Mỹ cho biết họ muốn bắt đầu triển khai chương trình tiêm vắc xin tăng cường vào tuần tới trong bối cảnh hàng chục quốc gia khác đang lo ngại về sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm ở những người đã được tiêm chủng. Kế hoạch này đã gây tranh cãi và thu hút sự chỉ trích từ hai nhà khoa học hàng đầu của Mỹ, những người gần đây đã tuyên bố rút khỏi FDA.
Philip Krause và Marion Gruber, là đồng tác giả một bài báo trong tuần này kết luận rằng không có đủ bằng chứng để biện minh cho một chương trình tăng cường vào thời điểm mà nguồn cung cấp vắc xin vẫn còn rất hạn chế ở nhiều khu vực khác trên thế giới.
Theo FT
Theo Dương Lê (Pháp Luật & Bạn Đọc)