Ông Vương Kỳ Sơn không có mặt trong Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc

24/10/2017 15:00:49

Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) Vương Kỳ Sơn cùng Phó chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều không được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư CPC khóa 19.

Ông Vương Kỳ Sơn không có mặt trong Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ông Vương Kỳ Sơn từng được đánh giá là cánh tay mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng

Ông Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, được xem là cánh tay mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng được phát động từ năm 2012, theo tờ South China Morning Post. Điều này có nghĩa ông Vương sẽ không còn nắm giữ vị trí hiện nay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của CPC, diễn ra từ  ngày 18.10 đến ngày 24.10.

Hiện chưa rõ người nào sẽ lên nắm vị trí của ông Vương. Người nắm vị trí này có thể sẽ được tiết lộ sau khi các thành viên của Ủy Ban Thường vụ Bộ Chính trị CPC khóa 19 sẽ được bầu chọn và công bố vào sáng mai 25.10.

Trong hai bản tin liên tiếp, Tân Hoa xã nêu tên các vị Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Vương Hỗ Ninh, Lưu Kỳ Bảo, Hứa Kỳ Lượng, Tôn Xuân Lan, Uông Dương, Trương Xuân Hiền, Triệu Lạc Tế, Hồ Xuân Hoa, Lật Chiến thư và Hàn Chính là những ủy viên Ban Chấp hành T.Ư CPC khóa 19. Trong đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình được nêu tên trong một bản tin riêng biệt.

Tại phiên họp kín của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 vào sáng nay, gần 2.300 đại biểu đồng loạt bỏ phiếu thuận cho việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho thời đại mới” vào điều lệ Đảng, theo Tân Hoa xã.

Trước đây, một số nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra học thuyết mang tính chỉ đạo đường lối và được đưa vào điều lệ Đảng, chẳng hạn thuyết “Ba đại diện” của ông Giang Trạch Dân hay học thuyết “Quan điểm phát triển khoa học” của ông Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, chỉ mới có “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và “Lý luận Đặng Tiểu Bình” là gắn liền với danh tính của chủ nhân.

Sự kiên tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình được đưa vào điều lệ Đảng, đánh dấu ông là vị lãnh đạo CPC đương nhiệm thứ 2 nhận được sự tôn vinh này, chỉ sau Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc cũng được vinh danh như trên nhưng chỉ sau khi ông qua đời. Cụ thể “Lý luận Đặng Tiểu Bình” chỉ được đưa vào điều lệ Đảng sau khi ông qua đời vào năm 1997.

Theo Văn Khoa (Thanh Niên Online)