Có gì trong hai dự luật của Mỹ về Đài Loan?
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, vấn đề Đài Loan sắp tới có thể được tổng thống Trump sử dụng làm "đòn bẩy" trong các liên hệ với Bắc Kinh, với hai dự luật vừa được Hạ viện thông qua.
Các dự luật vẫn cần Thượng viện biểu quyết và tổng thống phê chuẩn để thành luật, song diễn biến kể trên chắc chắn đã đụng chạm đến Bắc Kinh, tương tự như cuộc điện đàm của ông Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tháng 12/2016 - một tháng sau khi ông đắc cử tổng thống.
Nếu hai dự luật được thông qua, chính quyền Trump sẽ có thêm không gian để mở một chiến dịch thương lượng với Trung Quốc trong các lĩnh vực Mỹ quan tâm, ví dụ như chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Dự luật thứ nhất, có tên Đạo luật Lữ hành Đài Loan, được đưa ra nhằm cải thiện hoạt động trao đổi, thăm viếng chính thức giữa Washington và Đài Bắc. Luật này sẽ cho phép các quan chức Mỹ công du Đài Loan một cách hợp pháp để gặp các đồng cấp - bao gồm các quan chức ngoại giao và quốc phòng.
Các liên hệ chính thức giữa Mỹ-Đài Loan đã bị đình chỉ từ năm 1979, sau khi Washington công nhận Trung Quốc và đặt quan hệ với Bắc Kinh, đồng thời cam kết tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc".
Dự luật còn lại vừa được Hạ viện Mỹ thông qua nhằm giúp Đài Loan lấy lại tư cách quan sát viên ở Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), hai dự luật trên được thông qua là dấu hiệu cho thấy vẫn có nút thắt mâu thuẫn giữa Bắc Kinh với Washington, bất chấp tổng thống Trump đích thân cam kết với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ vẫn tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc".
Tiến triển mới ở nhánh lập pháp Mỹ diễn ra chỉ một tháng sau khi ông Trump ký thành luật đối với Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2018, bao gồm nội dung cho phép tàu chiến Mỹ đến thăm và neo đậu tại các cảng của Đài Loan.
Hành động của tổng thống Mỹ khiến Bắc Kinh nổi giận. Ông Lý Khắc Tân, công sứ Trung Quốc tại Washington, cảnh báo nước này sẽ kích hoạt Luật chống ly khai và điều quân đội tấn công Đài Loan nếu chiến hạm Mỹ đến đảo này.
"Thời điểm tàu chiến Mỹ cập cảng Cao Hùng (Đài Loan) cũng là lúc Quân giải phóng nhân dân (PLA) thống nhất Đài Loan bằng vũ lực," ông Lý phát biểu tại Mỹ.
Ông Trump gặp rủi ro nếu dùng vấn đề Đài Loan trao đổi với Bắc Kinh?
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng ông Trump sẽ gánh rủi ro chính trị lớn nếu ủng hộ hai dự luật nêu trên và sử dụng chúng để mặc cả với Bắc Kinh.
Học giả Zhang Yuquan, thuộc Đại học Sun Yat-sen ở Quang Châu, bình luận: "Ông Trump có thể không ký [các dự luật], ông cũng có thể không thực thi chúng, hoặc có thể ông chỉ cử các quan chức ở cấp rất thấp [công du Đài Loan]. Những lựa chọn này có thể trở thành 'vốn liếng' trao đổi với Trung Quốc."
"Không một ai có thể nghi ngờ quyết tâm mạnh mẽ của chủ tịch Tập Cận Bình về việc thống nhất. Vì vậy tôi cho rằng ông Trump cũng sẽ thỏa thuận [với Trung Quốc] bằng đòn bẩy này."
Jia Qingguo, trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định tổng thống Mỹ thích đưa các nhân tố khó đoán vào chính sách của ông.
"Ông ấy thích tỏ ra khó lường, nhưng ông cũng sẽ xử lý thận trọng bởi Trung Quốc sẽ phản ứng gay gắt nếu thực sự có một cuộc gặp cấp cao Mỹ-Đài Loan," ông Jia nói với SCMP. "[Phản ứng của Trung Quốc] sẽ tác động nghiêm trọng đến các lợi ích quốc gia của Mỹ".
"Hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra là sự đổ vỡ quan hệ ngoại giao Bắc Kinh-Washington... nhưng tôi không nghĩ sự việc sẽ đi xa đến thế."
Từ hồi tháng 10/2017, khi Đạo luật Lữ hành Đài Loan mới được thông qua trong Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, Trung Quốc đã tuyên bố "cực lực phản đối" dự thảo pháp lý này.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khi đó lên tiếng: "Trung Quốc thúc giục Mỹ tuân thủ chính sách 'Một Trung Quốc' và nguyên tắc trong Ba thông cáo chung... về việc không tiến hành bất kỳ trao đổi chính thức nào hoặc liên hệ với Đài Loan, và không gửi thông điệp sai lầm đến các phần tử ủng hộ ly khai ở Đài Loan."
Từ sau khi ông Trump ký NDAA 2018, tần suất các cuộc tập trận "tuần tra quanh đảo Đài Loan" của không quân Trung Quốc đã tăng lên. Tàu sân bay Liêu Ninh của quân đội Trung Quốc cũng xuất hiện trong khu vực để gửi tín hiệu răn đe Mỹ và Đài Loan.
Đội bay Trung Quốc tuần tra quanh đảo Đài Loan |
Hoàn Cầu: Bắc Kinh sẽ "nghiền nát" ý định độc lập của Đài Loan
Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 10/1 cảnh báo, nếu dự luật Lữ hành Đài Loan được thông qua thành luật và chính quyền ông Trump thực thi nó, thì Bắc Kinh sẽ cứng rắn hơn trong mục tiêu "dàn xếp vấn đề Đài Loan" khi tình hình hai bờ eo biển có diễn biến mới.
Theo đó, Trung Quốc Đại lục sẽ "trấn áp toàn diện" khuynh hướng đòi độc lập tại Đài Loan và tạo ra "thay đổi cơ bản" trong quan hệ hai bờ, buộc "chính quyền Đài Loan từ bỏ ảo tưởng lợi dụng thế lực bên ngoài để chống lại Đại lục, dù ai là người nắm quyền".
Hoàn Cầu cũng dự báo chính quyền Đài Loan chống cự các nỗ lực của Bắc Kinh, không loại trừ có sự hợp tác giữa các lực lượng chính trị và quân sự của Mỹ-Đài. Điều này sẽ thúc đẩy Trung Quốc đến gần hơn giải pháp tiếp cận bằng quân sự để thống nhất, ngay cả chấp nhận "tổn thất tạm thời", nhưng "cái giá sẽ thấp hơn nhiều so với việc Mỹ-Đài thách thức chính sách 'Một Trung Quốc'".
Theo Hải Võ (Soha/Thời Đại)