Tổng thống Donald Trump lên Twitter tuyên bố ông có quyền "tuyệt đối" trong việc chia sẻ thông tin với Nga về việc chống khủng bố.
Dòng "tweet" trên là phản ứng của Tổng thống Trump trước việc báo chí Mỹ đặt nghi vấn ông đã tiết lộ thông tin tuyệt mật, không được phép tiết lộ cho Nga trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Nhà Trắng hôm 10/5.
Trước đó, Washington Post dẫn lời các quan chức chính phủ khẳng định việc ông Trump chia sẻ thông tin mật gây nguy hiểm cho một nguồn tin tình báo về tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tổng thống Mỹ gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 10/5, ngay sau khi ông sa thải giám đốc FBI James Comey. Ảnh: Getty. |
Cụ thể, những thông tin được chia sẻ với phía Nga được cung cấp bởi một đối tác có quan hệ với nội bộ IS. Ngay cả trong chính phủ Mỹ, thông tin này cũng bị kiểm soát gắt gao và chỉ được phép chia sẻ với một số nhỏ người.
Nguồn tin cũng không cho phép Washington tiết lộ thông tin cho Moscow, vì vậy hành động của tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của nguồn tin.
Các quan chức chính phủ cũng tiết lộ trong cuộc gặp với ông Lavrov ngày 10/5, ông Trump tỏ ra tự hào với nguồn tin tình báo mà mình có trong khi mô tả chi tiết về mối đe dọa từ IS với việc sử dụng thiết bị điện tử trên máy bay.
Một quan chức Mỹ nói với Washington Post rằng ông Trump đã "chia sẻ cho Nga nhiều thông tin hơn là lượng thông tin chúng ta chia sẻ cho các đồng minh".
Thông tin trên lập tức khiến nhiều người lo lắng và lên tiếng phản đối tổng thống Mỹ. Thượng nghị sĩ Dick Durbin chỉ trích hành động của ông Trump "nguy hiểm và liều lĩnh" trong khi người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker nhấn mạnh hành động trên "rất phiền phức" nếu đúng sự thật.
Washington Post nhận định rằng với hầu hết người trong chính quyền, việc tiết lộ những thông tin như vậy với đối thủ là bất hợp pháp. Tuy nhiên, Tổng thống Trump có quyền hạn lớn trong việc giải mật tin, vì vậy rất khó để quy kết ông đã phạm luật.
Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)