Kể từ lần đầu lên tiếng yêu cầu "dồn mọi nỗ lực" ngăn dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) lây lan hồi cuối tháng một, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn luôn trực tiếp chỉ đạo cách Trung Quốc đối phó với dịch.
Ít nhất đó là những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục nhấn mạnh, dù bản thân ông Tập nhiều ngày gần đây không xuất hiện, thậm chí biến mất khỏi vị trí thường thấy trên trang nhất báo People's Daily và bản tin tối của đài truyền hình trung ương CCTV.
Giới chuyên gia nhận định đây là điều bất thường bởi một lãnh đạo quốc gia phải là người đứng ở tuyến đầu mỗi khi có khủng hoảng nổ ra. Việc ông vắng bóng trên các phương tiện truyền thông ở vào thời điểm như hiện nay khiến nhiều người ngạc nhiên.
Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền hồi năm 2012, People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, thường xuyên đăng các bài viết về ông, không chỉ trên trang nhất mà ở cả những trang khác với các bức ảnh gần như giống hệt nhau ghi lại cảnh Chủ tịch Trung Quốc bắt tay nhiều quan chức.
Nhưng người xuất hiện nhiều trên truyền thông Trung Quốc giữa cuộc khủng hoảng dịch viêm phổi là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Chuyến thị sát của ông Lý đến Vũ Hán, thành phố khởi phát dịch viêm phổi, được đưa tin đậm nét trên truyền thông nước này.
Việc ông Tập không xuất hiện trên People's Daily những ngày qua khiến dư luận Trung Quốc chú ý, nhất là trong bối cảnh các quan chức ở nhiều cấp đang tìm cách "đá quả bóng trách nhiệm" và đổ lỗi lẫn nhau vì đã để dịch bùng phát ở quy mô lớn.
Các quan chức Vũ Hán là những người thất bại rõ ràng nhất trong cuộc khủng hoảng nCoV và một số người đã nộp đơn xin từ chức. Nhưng khi virus tiếp tục lan rộng khắp Trung Quốc và trên toàn thế giới với số người chết cùng số ca nhiễm không ngừng tăng lên, việc những quan chức cấp thấp bị trừng phạt có lẽ chưa đủ để làm dịu cơn giận dữ của công chúng.
Các chuyên gia cho rằng sự vắng mặt của ông Tập trên truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như là một động thái có chủ đích, nhằm phát đi thông điệp rằng ông đang làm việc miệt mài nơi hậu trường, giám sát và chỉ đạo mọi hành động ứng phó mà không cần thiết phải xuất hiện quá nhiều.
"Chính phủ Trung Quốc có lẽ vẫn trong quá trình cân nhắc xem khi nào là thời điểm thích hợp để Chủ tịch Tập ra mặt dẫn dắt cuộc chiến chống virus corona", Rui Zhong, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Wilson, trụ sở ở Washington, bình luận.
Sau một cuộc họp của các quan chức cấp cao hôm 3/2, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cho biết Chủ tịch Tập đã nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc "định hướng dư luận" giúp "củng cố thêm niềm tin, làm ấm lòng dân và thu phục trái tim mọi người".
Ở thời điểm dịch bệnh chưa được kiểm soát như hiện nay, ông Tập được khắc họa là người duy nhất có khả năng giải quyết khủng hoảng và đưa Trung Quốc trở lại con đường hướng tới sự vĩ đại như lời ông hứa từ lúc nắm quyền điều hành đất nước.
Trong một bài bình luận trên trang nhất ngày 4/2, People's Daily nhấn mạnh cuộc chiến chống nCoV là "cuộc chiến toàn dân" và chỉ có thể giành được thắng lợi nếu cả đất nước "đoàn kết hơn" dưới sự lãnh đạo của đảng và Chủ tịch Tập ở trung tâm.
Tương tự, Xinhua tuyên bố Chủ tịch Tập "đã tự mình ra chỉ thị và lên kế hoạch" cho mọi nỗ lực nhằm kiềm chế dịch bệnh, nhờ thế mọi thứ đều được thực hiện một cách "có hiệu quả và trật tự".
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)