Bác sĩ Lại Thanh Hà - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho hay nhiệt độ thấp, trời lạnh và độ ẩm khô thì là điều kiện để virus có thể tồn tại trong môi trường lâu hơn. Hơn nữa thời tiết lạnh khiến con người thường có xu hướng đóng kín cửa, tụ tập nơi đông người hơn. Chính vì thế, nguy cơ lây lan trực tiếp tức là chuyển virus từ người mang mầm bệnh sang người lành cao hơn so với khi nhiệt độ môi trường ấm áp.
Hơn nữa, khi trời lạnh do mọi người ít mở cửa khiến không khí không thông thoáng. Trong khi đó, khi đủ điều kiện có số lượng lớn virus cô đặc nhất định mới lây bệnh được còn khi lượng virus loãng ra nguy cơ lây bệnh sẽ giảm đi.
Như vậy, thời tiết lạnh là một trong những điều kiện môi trường khiến mầm bệnh virus sống ngoài môi trường lâu hơn. Virus trong nhiệt độ 22 - 25 độ C với độ ẩm 40% có thể sống được 5 ngày ở môi trường bên ngoài còn trên 25 độ C thì virus có thể suy yếu đi.
"Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc virus ở nhiệt độ trên 25 độ C sẽ không có nguy cơ lây bệnh. Nhiều người nhận định virus corona sẽ chết khi ở nhiệt độ trên 25 độ C là sai lầm. Bởi cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 37 độ C hoặc hơn. Rõ ràng ở nhiệt độ đó virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ và còn có thể nhân lên. Vì thế kể cả khi môi trường 25 độ thì vẫn không được chủ quan và vẫn phải làm theo sự chỉ dẫn của Bộ Y tế nhất là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Khi nhiệt độ trên 38 độ, độ ẩm cao 80% thì sức sống của virus mới giảm đi 1000 lần và khiến nguy cơ lây bệnh giảm." - bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư City of Hope (California, Mỹ) nhiều người nhận định virus corona sẽ chết khi ở nhiệt độ trên 25 độ C là sai lầm. Bởi cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 37 độ C, lúc sốt có thể lên đến 40 độ C hoặc hơn. Ở nhiệt độ đó virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ. Virus chỉ chết trong cơ thể khi hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết ra chúng, tấn công tiêu diệt chúng và các tế bào chứa chúng.
TS. Vũ phân tích, bên ngoài môi trường vật chủ, virus sẽ dễ bị chết sớm, thông thường chúng chết chỉ trong vài phút cho đến vài giờ. Tuy nhiên, ở các điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp, virus có thể kéo dài thời gian sống.
Các nghiên cứu về khả năng tồn tại trong môi trường của virus gây bệnh SARS, người ta nhận thấy môi trường lạnh và khô (độ ẩm thấp) thì chúng càng sống lâu. Với nhiệt độ 4 độ C, virus sống hơn một tháng trong môi trường.
Ở nhiệt độ phòng 22-25 độ C, độ ẩm 40-50%, virus sống khoẻ tới 5 ngày, sau đó sẽ giảm từ từ. Đây là nhiệt độ và độ ẩm điển hình của một căn phòng có điều hoà nhiệt độ.
Ở nhiệt độ vừa phải 28-33 độ C, độ ẩm không ảnh hưởng tới virus đáng kể, có thể sống trong môi trường tới 4-5 ngày.
Khi nhiệt độ đạt tới 38 độ C và độ ẩm đạt tới 80-90%, virus sẽ giảm mạnh sau 24 giờ. Độ ẩm đạt tới 95%, chúng sẽ giảm nhanh hơn nữa.
Do vậy, đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho những nước có khí hậu nóng ẩm và nhiều nắng như ở Việt Nam trong việc hạn chế thời gian tồn tại của virus corona này ở môi trường ngoài cơ thể.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện sự tồn tại của nCoV ở môi trường ngoài cơ thể. Trong điều kiện bên ngoài như vậy, virus corona có “tuổi thọ” bao lâu và có thể tự hủy diệt trong môi trường nào?
Chủng mới của virus corona 2019-nCoV được chuyên gia dịch tễ học tại trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Quảng Châu (Trung Quốc) phát hiện trên tay nắm cửa tại nhà bệnh nhân nhiễm virus.
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc phát hiện nCoV ở môi trường bên ngoài, trước đó các nghiên cứu cho thấy virus chủ yếu thông qua đường nước bọt. Điều này thực sự đáng lo ngại, bởi nguy cơ lây nhiễm chéo từ việc tiếp xúc trực tiếp các vật dụng khiến dịch bệnh có thể lây lan mạnh hơn chúng ta tưởng.
Hiện các chuyên gia đã đưa axit nucleic của nCoV tìm thấy trên tay nắm cửa về phòng thí nghiệm trung tâm để tiến hành nghiên cứu và đánh giá khả năng “sống” của virus corona trong môi trường bên ngoài cũng như khả năng lây lan của chúng, “tuổi thọ” của chúng là bao lâu và có thể bị hủy hoại trong điều kiện môi trường thế nào…
Theo Hòa Thuận (Tiền Phong)