Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga ngày 29/1 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: “Hiện tại, hai bên chưa thống nhất lên lịch về bất kỳ cuộc trao đổi nào. Tổng thống Putin đã và vẫn luôn sẵn sàng với các liên lạc”.
Theo Reuters, ông Peskov đưa ra phát biểu trên sau khi nhật báo Tagesspiegel cùng ngày cho đăng tải một cuộc phỏng vấn với Thủ tướng Đức, trong đó ông Scholz nhấn mạnh đến nhu cầu điện đàm với ông Putin lần nữa cũng như trách nhiệm của nhà lãnh đạo Nga là cho rút hết quân khỏi Ukraine.
Lần gần đây nhất ông Putin và ông Scholz trao đổi qua điện thoại là đầu tháng 12 năm ngoái. Lúc đó, ông Putin cáo buộc đường lối của Đức và phương Tây đối với Ukraine là "có tính hủy diệt", đồng thời kêu gọi Berlin suy nghĩ lại về cách tiếp cận của mình.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức là nhà tài trợ khí tài cho Ukraine lớn thứ 2 sau Mỹ, hơn cả các cường quốc châu Âu khác như Pháp và Anh. Chính phủ của ông Scholz tuần trước đã nhất trí gửi 14 xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất cho Kiev và chấp thuận để các đồng minh châu Âu làm điều tương tự.
Lính Ukraine đến Anh học điều khiển xe tăng
Bộ Quốc phòng Ukraine vừa cho đăng tải trên Twitter các bức ảnh chụp binh sĩ nước này đến Anh để dự khóa đào tạo điều khiển xe tăng. Động thái diễn ra sau thông báo hồi đầu tháng này rằng, London sẽ chuyển giao các xe tăng Challenger 2 cho Kiev.
Báo Guardian dẫn lời một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh, việc cung cấp xe tăng và các hệ thống pháo binh là dấu hiệu chứng tỏ “tham vọng tăng cường hỗ trợ của Anh dành cho Ukraine".
Ukraine áp trừng phạt mới với Nga và Belarus
Chính phủ Ukraine vừa áp các biện pháp trừng phạt đối với 182 công ty cũng như 3 cá nhân của Nga và Belarus bị cáo buộc có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở nước láng giềng.
Theo danh sách do Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine công bố, những công ty bị Kiev đưa vào “danh sách đen” lần này chủ yếu tham gia vận chuyển hàng hóa, cho thuê phương tiện và sản xuất hóa chất.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)