Đầu ngày 8/2, Tổng thống Putin lần thứ hai trong tuần cảnh báo nguy cơ các nước châu Âu sẽ tự động bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh với Nga, trong đó "sẽ không có người chiến thắng" nếu Ukraina gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cố gắng tái chiếm bán đảo Crưm đã sáp nhập vào Nga năm 2014.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo kết thúc vào lúc hơn 1h sáng hôm sau tại Điện Kremlin, ông Putin cũng cho biết cuộc đối thoại vẫn chưa kết thúc. Theo ông, một số đề xuất của Mỹ và NATO rất đáng để thảo luận và Nga sẽ làm "mọi thứ để tìm ra những thỏa hiệp phù hợp với tất cả mọi người". Sau hơn 3 tháng gia tăng căng thẳng bắt nguồn từ những lo ngại của phương Tây về việc Nga tập trung hơn 100.000 lính gần biên giới Ukraina, không ai biết chính xác ý định của ông Putin. Cuối tuần trước, Nhà Trắng nhận định người đứng đầu Moscow có thể ra lệnh tấn công nước láng giềng trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới.Song, hai nhà phân tích chuyên giải mã các tín hiệu từ Điện Kremlin tin, những bình luận của ông Putin vào đêm khuya sau nhiều giờ hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy ông rất nghiêm túc trong thương lượng.
"Tất nhiên, ông ấy (Putin) vẫn giữ quan điểm của mình, nhưng tôi không cho rằng ông ấy đang muốn leo thang căng thẳng. Có lẽ bạn sẽ không nói chuyện với đối thủ suốt 7 giờ đồng hồ nếu bạn chỉ muốn thuyết giáo cho anh ta nghe và khép lại cánh cửa đàm phán", Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga giải thích.
Lãnh đạo Điện Kremlin ngày 8/2 đã tái nhấn mạnh các yêu cầu cốt lõi lâu nay của Nga về việc NATO phải đảm bảo không mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraina, không triển khai tên lửa gần biên giới nước này và rút bớt các cơ sở hạ tầng quân sự của liên minh ở châu Âu về mức năm 1997. Ông Putin cũng than phiền việc Mỹ và NATO đã "bỏ qua" những yêu cầu trên trong các phản hồi chính thức họ gửi tới Moscow vào ngày 26/1 và trong đó chỉ chứa đựng "những đề xuất, phát biểu chính trị về một số vấn đề thứ yếu". Tuy nhiên, theo Reuters, hồi đáp của Mỹ (nội dung bị rõ rỉ tới tay tờ báo Tây Ban Nha El Pais tuần trước) bao gồm cả những đề nghị giải quyết các mối quan ngại nhất định của Moscow. Cụ thể, Washington tuyên bố sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận "có đi, có lại" liên quan đến việc không triển khai các tên lửa và lực lượng chiến đấu ở Ukraina, đồng thời đàm phán về một "cơ chế minh bạch" để xác thực Mỹ không lắp đặt tên lửa hành trình Tomahawk tại các khu vực phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Romania.
Ông Kortunov cho rằng, ông Putin do đó có thể quan tâm đến việc xúc tiến đối thoại về kiểm soát vũ khí với Washington.
Theo Fyodor Lukyanov - Tổng biên tập tạp chí Nước Nga trong các mối quan hệ toàn cầu, nếu Moscow không thể khiến phương Tây cam kết không kết nạp Ukraina vào NATO, chính quyền Putin có thể tìm cách đạt được kết quả tương tự thông qua một phiên bản hồi sinh của các hiệp ước hòa bình Minsk năm 2014 và 2015. Ông Putin đã nhấn mạnh sau cuộc tiếp xúc với người đồng cấp Pháp rằng, không có giải pháp nào thay thế cho các hiệp định, vốn sẽ trao quy chế hiến pháp đặc biệt cho hai khu vực đòi ly khai ở phía đông Ukraina kể từ năm 2014. Tùy thuộc vào cách xác định địa vị đặc biệt đó, quyết định có thể cản trở tham vọng gia nhập NATO của Ukraina, đặc biệt nếu hai khu vực trên được phép tự do ký kết các thỏa thuận an ninh riêng với Moscow, điều Kiev chắc chắn sẽ phản đối mạnh mẽ.
Chuyên gia Lukyanov thừa nhận, viễn cảnh này cần phương Tây gây áp lực buộc Ukraina từ bỏ việc khăng khăng từ chối đối thoại với phe ly khai cũng như cấp quyền tự trị cho các khu vực phía đông.Ông Lukyanov cũng đề cập đến khả năng chính quyền Putin và phương Tây có thể đạt một thỏa thuận mới nhờ một dạng hóa giải xung đột nào đó, kết hợp với một tuyên bố về các dàn xếp an ninh mới ở châu Âu dọc theo những đường phân ranh ông Macron đã đề xuất cùng các biện pháp kiểm soát vũ khí mới mà Washington sẵn sàng thảo luận.
Toan tính của các bên cũng như ý định của ông Putin liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina dự kiến sẽ rõ ràng hơn trong thời gian tới đây.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)