Bà Fiona Hill, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống Donald Trump, vừa có bài viết trên tờ The New York Times, theo đó nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin lâu nay vẫn xem nỗ lực đưa Ukraine và Georgia đến gần NATO hơn là bước đi khiêu khích, có thể dẫn đến hành động quân sự phủ đầu từ Moscow.
Không lâu trước khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra ở Romania hồi tháng 4-2008, NATO thông báo Ukraine và Georgia cuối cùng sẽ gia nhập liên minh này. Ông Putin lập tức có phản ứng mạnh khi gặp Tổng thống George W. Bush tại hội nghị.
4 tháng sau đó, Nga "tấn công" Georgia và Kiev đã nhận được thông điệp mạnh mẽ này từ Moscow.
Vài năm sau, Ukraine trì hoãn ý định gia nhập NATO. Dù vậy, đến năm 2014, Ukraine muốn ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu vì cho rằng đây là hướng đi an toàn hơn để đến gần phương Tây. Theo tác giả, Moscow khi đó tiếp tục ra tay: Cáo buộc Kiev tìm kiếm cửa sau để gia nhập NATO, sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine...
Phản ứng im lặng của phương Tây đối với hai sự kiện 2008 và 2014 nói trên thúc đẩy ông Putin theo đuổi mục tiêu lớn hơn. Lần này, nhà lãnh đạo Nga còn muốn "trục xuất" Mỹ khỏi châu Âu.
Tác giả Fiona Hill nhận định việc ông Putin lựa chọn hành động gì và vào lúc nào đều có mục đích.
Tháng 12-2021 đánh dấu 30 năm sự kiện Liên Xô tan rã, thời điểm Nga mất vị thế thống trị ở châu Âu. Vì thế, ông Putin muốn cho Mỹ "nếm vị đắng của viên thuốc mà Nga phải uống trong thập niên 1990".
Ông tin rằng Mỹ đang trong tình thế khó khăn như Nga sau khi Liên Xô tan rã: bị suy yếu trong nước và rút lui ở nước ngoài. Ông cũng nghĩ rằng NATO không gì khác hơn một sự mở rộng của Mỹ. Vì thế, mọi động thái của Nga liên quan đến NATO đều nhằm trực tiếp vào Mỹ.
Trong những năm 1990, Mỹ và NATO buộc Nga rút những gì còn lại của quân đội Liên Xô khỏi các căn cứ ở Đông Âu, Đức và các nước vùng Baltic. Giờ đây, ông Putin muốn Mỹ chịu đựng tình cảnh tương tự.
Ukraine vừa là mục tiêu vừa là đòn bẩy của Nga trong cuộc đối đầu với Mỹ. Trong vài tháng qua, Moscow có một loạt bước đi đặt Washington vào thế thủ. như đưa quân đến biên giới với Ukraine và tiến hành các cuộc tập trận quân sự.
Theo quan điểm của Nga, Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu từ những rắc rối trong nước thời Tổng thống Donald Trump, cộng với những rạn nứt với đồng minh do ông gây ra và hành động rút quân khỏi Afghanistan.
Nếu Moscow thúc ép đủ mạnh, ông Putin hy vọng có thể đạt thỏa thuận an ninh với NATO và châu Âu để tránh xung đột. Khi đó, đến lượt binh sĩ và tên lửa Mỹ phải rời khỏi châu Âu.
Trong tài liệu chính thức mới đây, Nga đòi hỏi sự bảo đảm rằng Ukraine (và các nước cộng hỏa cũ của Liên Xô) sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Ngoài ra, NATO phải rút quân khỏi những nước gia nhập sau năm 1997. Chưa hết, Mỹ phải rút lực lượng và vũ khí, trong đó có tên lửa hạt nhân.
Bà Hill nhận định mọi dấu hiệu cho thấy Nga sẽ tìm cách kéo dài "trò chơi chiến thuật" hiện nay với Mỹ, trong lúc khai thác những rạn nứt trong nội bộ NATO và EU theo hướng có lợi cho mình.
Theo Phương Võ (Nld.com.vn)