Con gái của người đàn ông đến từ thành phố Thượng Hải, miền đông Trung Quốc mới đây đã phải gọi điện đến một chương trình chuyên về giải quyết những xung đột trong gia đình hôm 16/7 để nhờ tư vấn giải quyết những yêu cầu từ bố của cô.
Chia sẻ với phóng viên, người phụ nữ cho biết: “Tôi gần như chết đến nơi bởi sự khủng bố tinh thần liên tục của cha tôi. Con tôi năm nay đã 10 tuổi nhưng cha tôi nhất quyết đòi đổi họ của con bé sang họ của ông, nếu không ông ấy tuyên bố sẽ đi tự tử."
Theo người phụ nữ, gia đình ba người của cô phải dựa vào nguồn thu nhập của người ông để chi trả tiền ăn và tiền nhà hàng tháng.
“Cha tôi cảm thấy bị bóc lột vì cháu gái không mang họ của ông ấy,” người mẹ nói với phóng viên hòa giải.
Nhiều người trên mạng bày tỏ sự ủng hộ đối với cụ ông, nói rằng yêu cầu của ông là “công bằng”.
"Có vẻ như con rể không muốn mất bất kỳ lợi thế nào", một người bình luận.
“Anh ấy (con rể) không có đủ khả năng để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của gia đình, nhưng lại không muốn con gái mình mang họ của người làm được việc đó.” Một người khác châm biếm.
“Nhận họ của ông ngoại thì cũng giống như nhận họ của mẹ mà thôi, điều này cũng hoàn toàn hợp lý”. Ý kiến khác bày tỏ sự đồng tình.
Theo luật pháp Trung Quốc, một đứa trẻ đều có thể lấy họ của cha hoặc của mẹ. Đã có trường hợp những đứa trẻ lấy họ mẹ trong một số gia đình cao cấp của Trung Quốc.
Có thể đưa ra những ví dụ như bà Mạnh Vãn Chu, còn được gọi là Cathy Meng và em gái cùng cha khác mẹ của cô, Annabel Yao, không mang họ của cha, ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập và CEO của tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei.
Theo Wang Xuming, cựu chủ tịch một tòa án địa phương ở Thượng Hải cho biết, mối quan tâm lớn nhất đối với những đứa trẻ nhận họ của mẹ hoặc cha chúng là sự đoàn kết trong gia đình.
Wang giải thích: “Khi cha mẹ chọn họ cho con cái, chúng tôi chủ yếu xem xét sự hòa hợp trong gia đình để không xảy ra bất kỳ một xung đột nào. Có nhiều giải pháp khác nhau, chẳng hạn như sử dụng cả hai họ trong tên của đứa trẻ”.
Sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách được sinh hai con vào năm 2016, ngày càng nhiều gia đình có hai con đã chọn phương pháp một đứa trẻ lấy họ của cha và đứa còn lại là của mẹ.
Theo báo cáo hàng năm của Bộ Công an Trung Quốc về việc đặt tên, 7,7% trẻ sơ sinh vào năm 2020 lấy họ của mẹ. Ở một số thành phố lớn, chẳng hạn như Thượng Hải, con số này lớn hơn, với 8,8% trẻ sơ sinh lấy họ của mẹ tính đến năm 2018.
QT (Nguoiduatin.vn)