Câu hỏi đặt ra là, tại sao một máy bay tiêm kích - biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh ởThế kỷ 20 lại vẫn duy trì được vị thế hùng mạnh và đáng tin cậy cho tới tận những năm đầu Thế kỷ 21 và dự kiến sẽ vẫn còn được sử dụng trong nhiều năm nữa?
Biểu tượng Chiến tranh Lạnh
Để hiểu được gốc tích dẫn tới sự ra đời của MiG-21 cần thiết phải nhìn lại cuộc chạy đua về công nghệ hàng không vũ trụ giữa Liên Xô và Mỹ trong thời kỳ cao độ của Chiến tranh Lạnh.
Thời điểm đó, trong khi Mỹ đã đẩy mạnh phát triển các máy bay chiến đấu có vận tốc nhanh hơn và công nghệ tiên tiến hơn thì các dòng MiG-15 của Liên Xô, đơn giản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Không muốn bị Mỹ vượt mặt và để giành được ưu thế về không quân, Liên Xô buộc phải bắt tay vào chế tạo một dòng máy bay hiện đại hơn. MiG-21 ra đời xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn đó.
Từ chuyến bay đầu tiên năm 1956 và đi vào hoạt động đầy đủ năm 1959, MiG-21 đã góp phần làm thay đổi cán cân sức mạnh không quân giữa Liên Xô và Mỹ.
Với kinh nghiệm lịch sử dày dặn khi tham gia rất nhiều chiến dịch và cuộc chiến ở Thế kỷ 20 và cả những năm đầu Thế kỷ 21, MiG-21 không chỉ là di sản của Chiến tranh Lạnh mà còn là biểu tượng về thiết kế và kỹ thuật chế tạo máy bay của thế kỷ 20.
MiG-21, hay "Fishbed" theo cách gọi của NATO, là dòng máy bay siêu thanh vì nó có thể đạt tới vận tốc trên Mach 2. Phi cơ này được trang bị một khẩu pháo bên trong cộng với khả năng mang theo từ 2 đến 6 quả tên lửa.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mig-21 "Fishbed" chỉ đóng vai trò như một máy bay tấn công hoặc phòng thủ. Ngược lại, với kiểu thiết kế lưỡng dụng nó cũng có thể đảm nhận sứ mệnh như một máy bay ném bom chiến lược trong các nhiệm vụ tấn công mặt đất bằng rocket và bom.
Một đặc điểm thú vị khác của MiG-21 là, do Liên Xô thường có xu hướng chỉ huy và điều khiển các phương tiện trên không từ mặt đất nên nên dòng máy bay này không tốn nhiều diện tích lắp đặt radar. Nhờ đó, MiG-21 được cắt giảm đáng kể trọng lượng đồng thời cho phép nó có khả năng cơ động cao.
Liên Xô bắt đầu chế tạo hàng loạt MiG-21 giai đoạn từ 1959 đến 1985. Theo một bài viết trên Tạp chí Mỹ National Interest (2017) có tựa đề "Russia’s MiG-21: The Fighter Jet That Could Fly for 100 years?" (Tạm dịch: MiG-21 của Nga: Tiêm kích có thể bay 100 năm?) thì Liên Xô đã sản xuất tổng cộng 10.645 chiếc MiG-21.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Tiệp Khắc (Czechoslovakia) một nước đồng minh thuộc Khối Hiệp ước Warsaw sản xuất 194 chiếc theo giấy phép của Liên Xô. Ấn Độ, một đồng minh khác của Liên Xô nhưng không phải thành viên chính thức của Warsaw cũng được chia sẻ công nghệ quốc phòng và chế tạo 657 chiếc.
Năm 1962 Không quân Romania tiếp nhận 12 chiếc MiG-21F-13 đầu tiên và sau đó nhận thêm 12 chiếc nữa cùng biến thể năm 1963. Tính cả các năm về sau, Romania đã nhận tổng cộng 322 chiếc.
Bulgaria, quốc gia thuộc khối Warsaw nhận tổng cộng 224 MiG 21. Ngoài ra, Nam Tư (Yugoslavia) cũng mua 261 MiG-21 với 10 biến thể, trong đó, một số chiếc sau này được sử dụng trong các cuộc chiến tranh Kosovo.
Vẫn chưa hết, năm 1975, Libya tiếp nhận 25 chiếc MiG-21 huấn luyện và sau đó là 50 MiG 21MF. 30 chiếc sau đó được chuyển sang cho Syria năm 1982. Tính từ 1980, 94 chiếc MiG-21bis đã được chuyển giao. Điều đáng chú ý là, theo một báo cáo tình báo của Israeli, 33 MiG-21 vẫn còn đang hoạt động.
Một điểm thú vị nữa là Trung Quốc đã "mổ xẻ" MiG-21 để thu thập tất cả các dữ liệu kỹ thuật rồi tự chế tạo phiên bản cho riêng mình với tên gọi Chengdu J-7 hay F-7. Theo thống kê, Trung Quốc đã chế tạo khoảng 2.400 chiếc F-7 (biến thể của MiG-21) từ 1966 đến 2013.
Theo thống kê của National Interest (2007), tính tổng số, cho tới nay, MiG-21 (Fishbed) là dòng máy bay siêu thanh được sản xuất nhiều nhất thế giới.
Tả xung hữu đột khắp các chiến trường
Để thấy được kinh nghiệm chiến trường dày dặn của MiG-21, cần thiết phải liệt kê ra đây những cuộc xung đột/chiến tranh mà tiêm kích MiG-21 từng góp mặt.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam đã ghi nhận lịch sử đối đầu đầy ấn tượng giữa MiG-21 của Liên Xô và F4 Phantom của Mỹ. Khi đó, MiG-21 thực sự là một đối thủ đáng gờm đối với Không quân và Hải quân Mỹ.
Nhờ những chiến công với MiG-21, nhiều phi công Việt Nam đã đạt đẳng cấp Ace – phi công siêu cấp, danh hiệu dành cho những phi công bắn rơi từ 5 máy bay địch trở lên.
Gần đây nhất, khi đã bước sang thập kỷ thứ 2 của Thế kỷ 21, MiG-21 vẫn được Không quân Chính phủ Syria sử dụng phá hủy các mục tiêu mặt đất trong cuộc chiến chống lại các phần tử khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trong cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan, MiG-21 đã thiết lập một kỷ lục ấn tượng khi bắn rơi một loạt máy bay có xuấ xứ từ phương Tây và Trung Quốc, trong đó có 4 chiếc F104, 2 chiếc Shenyang F6, 1 chiếc F 86 Sabre và 1 Lockheed C130 Hercules.
Trong chiến tranh Iran - Iraq, 21 MiG-21 của Iraq bị bắn hạ bởi các máy bay F14 của Iran, 29 MiG-21bị tiêu diệt bởi F-4. Giai đoạn 1980 - 1988, Iraq đã bắn rơi 43 máy bay chiến đấu của Iran nhưng cũng để mất 49 MiG-21. Có vẻ như, vào thời điểm diễn ra cuộc xung đột này, các khả năng hoạt động của MiG 21 bắt đầu suy giảm so với các chiến đấu cơ tiên tiến hơn.
Ngoài ra, MiG-21 còn can dự vào rất nhiều các cuộc xung đột khác nhau trên thế giới, như tại Sừng châu Phi, giữa Ethiopia và Somalia trong cuộc chiến Ogaden giai đoạn 1977-78. Trong cuộc nội chiến kéo dài tại Angola, các máy bay MiG-21 của Không quân Cuba sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất của lực lượng phiến quân.
Tại Congo, MiG 21 cũng như phiên bản F-7 của Trung Quốc đã cất cánh không biết bao nhiêu lượt trong các cuộc chiến tranh Congo Thứ Nhất và Thứ Hai. Các cuộc chiến tranh Nam Tư giai đoạn 1991- 1995, Quân đội Nhân dân Nam Tư đã sử dụng MiG-21 trong các sứ mệnh tấn công mặt đất.
Theo National Interest (2017), điểm thú vị cần phải nhấn nhấn mạnh là, các chiến đấu cơ hiện đại thuộc thế hệ sau vẫn không bay nhanh hơn "già làng" MiG-21 và cũng không có được lợi thế đáng kể về khả năng cơ động như MiG-21.
Thời gia qua đi, công nghệ cũng như các khả năng tấn công trên không và mặt đất ứng dụng cho các máy bay chiến đấu đều đã phát triển. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh hiệu quả kinh tế, tính hữu dụng và khả năng đảm trách cả sứ mệnh cả tiêm kích và cường kích, khiến MiG-21 vẫn còn được nhiều nước trên thế giới tin dùng.
Chính phiên bản J-7 của Trung Quốc đã giúp kéo dài thêm tuổi thọ cho mẫu thiết kế tổng thể của MiG-21. Thêm nữa, lịch sử hoạt động dày dặn của MiG-21 đã chứng tỏ đây thực sự là dòng máy bay chiến đấu rất đáng gờm.
Dù hiện nay số lượng có suy giảm nhưng MiG-21 vẫn đang còn hoạt động ở nhiều nước. Nó đã được lịch sử kiểm nghiệm như là một trong những máy bay có tính biểu tượng cao trên thế giới. Đặc biệt, MiG-21 luôn nhận được sự tôn trọng của cả bạn và thù.
Theo Trung Phạm (Soha/Trí Thức Trẻ)