Động thái trên cho thấy sự khác biệt đáng kể so với tổng thống Donald Trump, người từng tỏ ra nghi ngờ việc đeo khẩu trang dù giới chức y tế cho rằng đây là một trong những biện pháp dễ dàng nhất để kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Tổng thống đắc cử Biden đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, gọi đây là "nghĩa vụ yêu nước" và trong chiến dịch tranh cử đã cân nhắc khả năng ban hành lệnh đeo khẩu trang bắt buộc toàn quốc, dù sau đó ông thừa nhận điều này khó có thể thực hiện.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Jake Tapper của CNN, ông Biden nói sẽ đề nghị người dân Mỹ đeo khẩu trang từ ngày 20/01 tới, thời điểm ông nhậm chức.
"Trong ngày nhậm chức, tôi sẽ đề nghị người dân đeo khẩu trang trong 100 ngày. Chỉ 100 ngày đeo khẩu trang, không phải là mãi mãi, chỉ 100 ngày. Và tôi cho rằng chúng ta sẽ chứng kiến dịch bệnh hạ nhiệt," ông Biden nói.
Biden cũng cho biết đã đề nghị bác sĩ Anthony Fauci tiếp tục công việc trong chính quyền của ông "trong vai trò ông ấy đã làm ở các đời tổng thống tiền nhiệm", cụ thể là giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia.
Tổng thống đắc cử Mỹ tiết lộ ông đã đề nghị bác sĩ Fauci đảm nhận vai trò "cố vấn y tế" và thành viên của đội ngũ cố vấn về Covid-19.
Về vấn đề vaccine Covid-19, ông Biden khẳng định sẽ "vui lòng" được tiêm chủng trước công chúng để làm dịu bới lo ngại về hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine. Ba cựu tổng thống Mỹ là Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton cũng cho biết họ sẵn sàng tiêm vaccine trước công chúng để chứng minh mức độ an toàn.
"Người dân đã mất niềm tin vào khả năng của vaccine," ông Biden nói, bổ sung thêm rằng "những gì tổng thống và phó tổng thống làm là rất quan trọng".
Trong cuộc phỏng vấn, ông Biden cũng bình luận về tin tức của giới truyền thông cho biết tổng thống Trump đang xem xét ân xá cho các đồng minh.
"Điều khiến tôi lo ngại là việc này sẽ đặt ra tiền lệ như thế nào và thế giới sẽ đánh gia như thế nào về chúng ta, với tư cách là một quốc gia của luật pháp và công lý," ông Biden nói.
Tổng thống đắc cử Mỹ cam kết Bộ Tư pháp dưới thời ông sẽ "hoạt động độc lập," và người được chọn làm bộ trưởng sẽ "có thể độc lập ra quyết định ai sẽ bị điều tra".
"Các bạn sẽ không thấy chính quyền của chúng tôi có cách tiếp cận như vậy với ân xá, và cũng sẽ không thấy chính quyền của chúng tôi đưa ra chính sách trên Twitter," ông nói.
Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris bổ sung thêm rằng những quyết định của Bộ Tư pháp Mỹ "cần được đưa ra dựa trên sự thật, dựa trên pháp luật, không nên bị ảnh hưởng bởi chính trị".
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)