Chia sẻ với CNN, ông Kamlesh Kumar Dixit, một quan chức cảnh sát cấp cao ở bang Uttar Pradesh hung thủ là một thanh niên 18 tuổi và mẹ của hắn ta đã bị bắt hôm 10/10. Cả hai bị tình nghi tội âm mưu giết người sau khi các điều tra cáo buộc họ đã đổ dầu lên người cô gái rồi thiêu sống nạn nhân vào ngày 6/10.
Cũng theo ông Dixit, người đàn ông vốn là anh họ của nạn nhân trước đó 3 tháng đã cưỡng hiếp cô gái khiến nạn nhân mang thai. Khi biết tin này, gia đình cô gái đã đến nhà hung thủ để thảo luận về việc cưới hỏi cho cả hai.
Hãng thông tấn Press Trust of India của Ấn Độ dẫn lời lực lượng cảnh sát cho biết cô gái đã bị dụ đến nhà của kẻ hiếp dâm với lý do bàn chuyện kết hôn nhưng sau đó đã bị hung thủ cùng mẹ đổ dầu hỏa lên người và thiêu sống. Tuy nhiên, ông Dixit đã từ chối bình luận khi được hỏi về chi tiết này.
Ấn Độ lâu nay vẫn được coi là điểm đen về nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái bởi chế độ gia trưởng tồn tại sâu sắc. Tuy nhiên hình phạt dành cho những kẻ gây tội lỗi vẫn được cho là khá nhẹ ở quốc gia Nam Á này.
“Tôi đã trở nên "vô cảm" với những câu chuyện như thế này. Người dân đang thiếu sự đồng cảm ở đất nước này, Yogita Bhayana, một nhà hoạt động chống hiếp dâm từ New Delhi cho biết.
“Trong những năm qua, chúng tôi đã cố gắng thay đổ. Nhưng vụ việc vừa qua chứng tỏ hệ thống đã hoạt động một cách thất bại. Đáng lẽ ra cô gái cần phải được giúp đỡ ”. Yogita Bhayana chia sẻ với CNN.
Hiện chưa rõ tình trạng sức khỏe của cô gái cũng như cái thai trong bụng sau sự việc đau lòng.
'Kẽ hở ở mọi ngóc ngách'
Cảnh sát Dixit cho biết vụ cưỡng hiếp được cho là xảy ra vào khoảng 3 tháng trước ở Mainpuri, cách thủ đô New Delhi của Ấn Độ khoảng 270 km về phía đông nam.
Quan trọng hơn, bang Uttar Pradesh lại là mục tiêu chính cho chiến dịch “Beti Bachao Beti Padhao” (Bảo vệ bé gái giáo dục bé gái) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhằm cải thiện vấn đề bình đẳng giới trong nước. Nhưng các nhà hoạt động cho biết trong 7 năm kể từ khi thực hiện, hầu như những quyền lợi của các bé gái và phụ nữ hầu như vẫn không được nâng cao, trong khi vấn nạn bạo lực nhằm vào nhóm yếu thế vẫn tái diễn.
Tháng 12 năm ngoái, chiến dịch đã bị chỉ trích vì đã chi gần 80% khoản ngân sách cho quảng cáo, thay vì tổ chức các chương trình giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của người dân.
Bhayana nói: “Bạn có thể thấy được tất cả các biển quảng cáo trên thế giới, nhưng chỉ điều đó cũng không giải quyết được vấn nạn to lớn này ở đất nước chúng tôi.” Bhayana cũng nói thêm rằng số tiền từ ngân sách phục vụ những chiến dịch đúng ra nên đầu tư cho các hoạt động giáo dục dành cho trẻ em trai gái về sự tôn trọng và quyền của phụ nữ, đào tạo các sĩ quan cảnh sát để nâng cao chuyên môn xử lý về những vụ án tấn công tình dục.
Theo Bhayana, nhiều đàn ông vẫn coi hiếp dâm là một “hành vi quyền lực” đối với phụ nữ. Nhiều trường hợp, nạn nhân không dám báo cảnh sát do lo sợ sẽ bị đổ lỗi là nguyên nhân dẫn tới hành vi tấn công tình dục.
Chính tâm lý này có thể cũng đã khiến cô gái 15 tuổi, nạn nhân trong vụ việc đã không báo cáo vụ hiếp dâm với cảnh sát trong suốt ba tháng qua, ông Dixit khẳng định.
Bà Bhayana nhấn mạnh: “Kẽ hở có ở khắp nơi,” nhằm ám chỉ tới hệ thống xã hội gia trưởng, và thủ tục pháp lý rườm rà đầy tai tiếng ở Ấn Độ.
Năm 2019, Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt kế hoạch mở hơn 1.000 tòa án phản ứng nhanh trên khắp Ấn Độ để giúp xóa những vụ án tồn đọng về các vụ hiếp dâm và tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên.
Tuy nhiên, theo dữ liệu do Bộ trưởng Bộ pháp luật và Tư pháp Ấn Độ đệ trình tại Thượng viện vào tháng 12/2021, chưa đến 700 tòa án như vậy được thành lập.
Những phán quyết bất công
Bang Uttar Pradesh là nơi chứng kiến nhiều vụ án chấn động về nạn bạo lực nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái
Vào tháng 12/2019, một phụ nữ đã chết ở bang này sau khi cô bị phóng hỏa khi làm chứng tại phiên tòa xét xử hai người đàn ông bị buộc tội cưỡng hiếp cô.
Một năm sau đó, một phụ nữ 19 tuổi thuộc cộng đồng Dalit, tầng lớp thấp nhất ở Ấn Độ đã chết vì bị hãm hiếp tập thể và bóp cổ bởi những người đàn ông ở tầng lớp trên.
Dù Ấn Độ những năm gần đây đã thực hiện một số cải cách để bảo vệ phụ nữ, tuy nhiên các tòa án của nước này vẫn bị chỉ trích gay gắt vì một số phán quyết gây tranh cãi của họ trong các vụ án tấn công tình dục.
Tháng 8 năm nay, một thẩm phán ở bang Kerala đưa ra phán quyết cho rằng nữ nạn nhân ăn mặc quần áo “khiêu khích”, và phủ nhận cáo buộc bị tấn công tình dục mà cô này đưa ra. Phán quyết của thẩm phán đã khiến dư luận Ấn Độ vô cùng bức xúc.
Trong một trường hợp khác hồi tháng 1/2021, một Thẩm phán Tòa án Tối cao Bombay nam bị cáo (39 tuổi) không phạm tội tấn công tình dục bé gái (12 tuổi) vì anh ta chưa cởi bỏ quần áo của cô bé, điều đó có nghĩa là không có chuyện tiếp xúc da thịt.
Những cải cách về luật pháp và các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội hiếp dâm đã được đưa ra sau vụ cưỡng hiếp tập thể dã man năm 2012 đối với một sinh viên y khoa ở Delhi, tuy nhiên các nhà hoạt động như Bhayana nói rằng cần phải làm nhiều việc hơn nữa mới có thể bảo vệ được phụ nữ và trẻ em gái trên khắp Ấn Độ.
QT (Nguoiduatin.vn)