Olympic Bắc Kinh bị nghị sĩ 11 nước 'liên thủ' tẩy chay: Đòn giáng mạnh lên Trung Quốc

17/06/2021 21:19:14

Các lời kêu gọi này nhằm gây áp lực cho chính phủ, quan chức và nguyên thủ quốc gia từ chối lời mời tham dự Olympic Bắc Kinh vào tháng 2 năm tới.

Olympic Bắc Kinh bị nghị sĩ 11 nước 'liên thủ' tẩy chay: Đòn giáng mạnh lên Trung Quốc
(Ảnh: Xinhua)

Một nhóm các chính trị gia tại 11 quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ đã kích hoạt các hành động lập pháp hôm 7/6 nhằm kêu gọi tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Các hành động này nhằm gây sức ép đòi giới chức các nước từ chối lời mời dự Olympic Bắc Kinh, với những cáo buộc nhằm vào Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Olympic Bắc Kinh bị nghị sĩ 11 nước tẩy chay

Tại Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Gregory Meeks, đã ủng hộ một nghị quyết kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thực hiện các biện pháp khẩn cấp để tìm một địa điểm thay thế Bắc Kinh "do chính phủ sở tại đang phạm tội ác chống lại loài người”.

Tại Nghị viện Châu Âu, 10 nghị sĩ sắp đệ trình lên Hội đồng Châu Âu về việc liệu Liên minh châu Âu (EU) có nên cử một phái đoàn đến tham dự Olympic Bắc Kinh hay không, nhưng cũng để “đưa ra lời khuyên” cho các nhà tài trợ cho sự kiện này.

Olympic Bắc Kinh bị nghị sĩ 11 nước 'liên thủ' tẩy chay: Đòn giáng mạnh lên Trung Quốc - 1
Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ Viện Mỹ Gregory Meeks (Ảnh: Getty)

Tại Italy, các nghị sĩ đã đưa ra một đề xuất kêu gọi các đài truyền hình trong nước dành thời gian đưa tin về các vấn đề quyền con người ở Trung Quốc, trong khi giới lập pháp tại Hội đồng Liên bang Thuỵ Sĩ sẽ yêu cầu được đảm bảo về quyền tự do báo chí cho các phương tiện truyền thông đưa tin về Olympic. 

"Nỗ lực phối hợp này của các nhà lập pháp ở nhiều quốc gia đã gửi đi một thông điệp mà IOC không thể bỏ qua: Nếu tổ chức này có thể thảo luận về việc hoãn tổ chức Olympic Tokyo vì những lo ngại về y tế cộng đồng, thì chắc chắn có thể bàn về việc chính phủ Trung Quốc giam giữ hàng triệu người trong các trại tập trung," trích tuyên bố của ông Tom Malinowski, phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đề cập cáo buộc liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương - mà Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ.

Trung Quốc cũng chỉ trích gay gắt những kêu gọi nhằm tẩy chay Olympic Bắc Kinh.

"Trung Quốc phản đối và lên án những nỗ lực của một số cá nhân tại Mỹ 'ném bùn' vào Trung Quốc và phá hoại công tác chuẩn bị và tổ chức Olympic Bắc Kinh bằng việc đưa chiêu bài nhân quyền ra khỏi những thành kiến ​​về ý thức hệ và chính trị," phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố hồi tháng 5.

"Những nhận định của những người gồm toàn những lời nói dối và thông tin sai lệch trơ trẽn. Trò hề được dàn dựng theo mô típ Mỹ điển hình này sẽ không nhận được sự ủng hộ và chắc chắn sẽ thất bại."

Các quốc gia khác có các động thái kêu gọi tẩy chay gồm Anh, Canada, Séc, Đan Mạch, Đức, Litva và Thụy Điển, với chiến dịch được thúc đẩy bởi Liên minh nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một tổ chức hoạt động với mục đích kêu gọi các nước Phương Tây áp dụng những hành động cứng rắn đối với Trung Quốc kể từ năm ngoái. 

Các nước thành viên IPAC đã thúc đẩy thành công việc bỏ phiếu tại quốc hội Anh, Canada và Hà Lan về việc coi những hành động mà Bắc Kinh bị cáo buộc nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là "diệt chủng". Chính phủ Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ với các cáo buộc.

Chiến dịch mạnh nhất nhằm vào Olympic Bắc Kinh

Đây là chiến dịch mới nhất nhắm vào Olympic Bắc Kinh 2022, sau khi liên minh các nhóm đại diện cho người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Hồng Kông kêu gọi tẩy chay toàn bộ vào tháng 5, nhằm tăng cường sức ép đối với các vận động viên, các nhà tài trợ và các cơ quan chủ quản.

Cũng trong tháng trước, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một cuộc tẩy chay ngoại giao.

Olympic Bắc Kinh bị nghị sĩ 11 nước 'liên thủ' tẩy chay: Đòn giáng mạnh lên Trung Quốc - 2
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: CGTN)

Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc về vấn đề Tân Cương, Tây Tạng hay Hồng Kông và chỉ trích các nước đưa ra những tuyên bố này là nhằm mục đích gây bất ổn tại Trung Quốc. 

Trên thực tế, phong trào tẩy chay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ ở Châu Âu, nơi các nguyên thủ bày tỏ quan điểm dè dặt hơn các nghị sĩ Mỹ. 

Không có vận động viên nào quyết định không tham gia Olympic Bắc Kinh vì lý do đạo đức, mặc dù nhà vô địch Olympic môn trượt tuyết người Mỹ Mikaela Shiffrin nói với CNN vào tháng 3 rằng thật không công bằng khi các vận động viên buộc phải lựa chọn giữa "đạo đức" và "nghề nghiệp".

"Và bạn chắc chắn không muốn bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa quyền con người, chẳng hạn như đạo đức hay khả năng thực hiện công việc của mình, mặt khác có thể đưa ra ánh sáng một số vấn đề hoặc thực sự có thể mang lại hy vọng cho thế giới ở một thời điểm rất khó khăn," nữ vận động viên Shiffrin nói. 

Những người tham gia phong trào nói rằng một cuộc tẩy chay ngoại giao thì "dễ thực hiện hơn nhiều" so với một cuộc tẩy chay trên diện rộng. 

Theo Thu Ngọc (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)