Dự luật Cạnh tranh Chiến lược 2021 nhằm vào Trung Quốc
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hồi tuần trước đạt được đồng thuận cao khi ủng hộ một dự luật gây sức ép lên Trung Quốc trong vấn đề quyền con người là cạnh tranh kinh tế. Dự luật Cạnh tranh Chiến lược 2021 được các thành viên Ủy ban ủng hộ với tỷ lệ phiếu ủng hộ áp đảo 21-1, cho phép đưa ra để 100 nghị sĩ Thượng viện xem xét.
Theo Reuters, các thành viên Ủy ban Đối ngoại thậm chí thục giục gia tăng hơn nữa hành động nhằm vào Trung Quốc. Ủy ban đã bổ sung hàng chục điều chỉnh vào dự luật, mà một trong số đó là quy định buộc các quan chức Mỹ phải tẩy chay Olympic Mùa Đông 2022 tổ chức tại Bắc Kinh. Trước đó, Ủy ban Tự do Tôn giáo Mỹ cũng kêu gọi biện pháp tương tự.
Một nhóm riêng biệt gồm các nhà lập pháp lưỡng viện Quốc hội Mỹ cũng giới thiệu một dự luật khác có tên "Luật Biên giới vô tận" (Endless Frontier Act), kêu gọi phân bổ ngân sách 100 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu công nghệ cơ bản và tiên tiến trong vòng 5 năm, cùng với 10 tỷ USD để tạo ra các "trung tâm công nghệ" trên khắp đất nước.
Cả hai dự luật nêu trên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa và có triển vọng trở thành luật. Lập trường cứng rắn với Trung Quốc đang trở thành một trong những tiền đề tin cậy chung giữa lưỡng đảng Mỹ giữa bối cảnh Quốc hội chia rẽ sâu sắc, và đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden chỉ chiếm đa số một cách sít sao so với đảng Cộng hòa.
Chính quyền của ông Biden cũng ủng hộ các biện pháp kể trên.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói rằng "Với số phiếu [đồng thuận] áp đảo của lưỡng đảng này, Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược trở thành đạo luật đầu tiên trong số những gì mà chúng ta hy vọng sẽ là một chuỗi hành động lập pháp để đất nước đối mặt với thách thức Trung Quốc trên tất cả phương diện - từ sức mạnh, chính trị, ngoại giao, kinh tế, sáng tạo, quân sự và cả văn hóa."
Bắc Kinh giận dữ
Dự luật Cạnh tranh Chiến lược vấp phải phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố đây là hành động "bóp méo sự thật và đổi trắng thay đen".
"[Dự luật] thổi phồng giả thuyết về mối đe dọa Trung Quốc và những trao đổi về cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Điều này can thiệp một cách thô bạo vào công việc của Trung Quốc và mang tâm thái Chiến tranh Lạnh," ông Uông nói.
Bên cạnh nội dung về Olympic Bắc Kinh 20021, dự luật còn đề cập các vấn đề khác về Hồng Kông và Tân Cương, cũng như nhắc đến "quan hệ chặt chẽ hơn với đảo Đài Loan".
Phát ngôn viên Ủy Ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, ông Vưu Văn Trạch, ngày 22/4 cũng chỉ trích dự luật của Mỹ là sự "bôi nhọ chính sách đối nội-đối ngoại và chiến lược phát triển của Trung Quốc, can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc" với "ý đồ hiểm ác".
Ông Vưu cảnh báo Mỹ "ngưng can thiệp nội chính Trung Quốc và ngừng thúc đẩy phê duyệt dự luật này".
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc trước rủi ro lao dốc
Nữ tiến sĩ Sara Hsu, học giả thỉnh giảng tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, phân tích trên tạp chí The Diplomat rằng dự luật Cạnh tranh Chiến lược 2021 là sự "gắn nhãn" Trung Quốc như một đối thủ chiến lược của Mỹ trong nhiều lĩnh vực - kinh tế, công nghệ, quân sự, an ninh,...
Bà Hsu chỉ ra, tiếp xúc với giới chức Trung Quốc sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra từ năm 2018 cho thấy những tuyên bố gay gắt không giúp đạt được thỏa hiệp. Trên thực tế những phát biểu chống Trung Quốc từ Mỹ khiến các quan chức Trung Quốc và chuyên gia khác cảm thấy bối rối hơn.
Động lực tổng thể của dự luật Cạnh tranh Chiến lược 2021 nằm ở việc xác định Trung Quốc là một đối thủ không thể thương lượng của Mỹ. Dự luật không thúc đẩy các giải pháp quân sự cho xung đột Mỹ-Trung, nhưng đẩy mạnh hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh và tăng cường năng lực của Mỹ nhằm ứng phó Trung Quốc.
Theo bà Sara Hsu, Mỹ đang "lờn vờn" với Trung Quốc và giải pháp này có thể mang lợi ích ngắn và trung hạn cho Washington, nhưng không có lợi về dài hạn.
"Hai thế lực toàn cầu chắc chắn sẽ đi đến bước đối đầu trong một số chủ đề then chốt và nhận ra đã quá trễ để đàm phán. Đến lúc đó thì phương án duy nhất sẽ là chiến tranh," bà viết.
Chính sách Trung Quốc của ông Biden bị tác động
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng nếu dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua thì Washington dường như đã từ bỏ sự "hợp tác khi có thể" như trong thông điệp của Ngoại trưởng Antony Blinken về quan hệ hai nước.
Sun Chenghao, trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hoa Kỳ, thuộc Sở Nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, nói rằng Nhà Trắng "chưa hoàn toàn xây dựng xong khuôn khổ chính sách Trung Quốc".
"Việc ủng hộ dự luật trong giai đoạn này cho thấy Quốc hội Mỹ cố gắng dẫn dắt chính sách Trung Quốc của chính quyền Biden hướng đến lập trường cứng rắn."
Sau khi dự luật được phê duyệt và có hiệu lực, sự linh hoạt trong chính sách Trung Quốc của chính quyền Biden có thể bị suy giảm nghiêm trọng. Bầu không khí chung trong một số vấn đề cụ thể và không gian hợp tác song phương cũng sẽ bị siết chặt hơn.
"Cạnh tranh chiến lược chống lại Trung Quốc giờ đã trở thành nhận thức chung của lưỡng đảng Mỹ. Người Trung Quốc không nên có ảo tưởng rằng Mỹ vẫn tin rằng hợp tác là dòng chảy chính của quan hệ hai nước," Sun nói.
Một số cư dân mạng Trung Quốc đã chế giễu dự luật của Mỹ là "Đạo luật Loại trừ Trung Quốc trong Thế kỷ 21".
Theo Hải Võ (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)