Guardian ngày 28/11 đưa tin cựu tổng thống Mỹ Barack Obama “tung đòn tấn công” nhắm vào những vấn đề pháp lý của người kế nhiệm. Vụ việc diễn ra chỉ một ngày sau khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller chấm dứt thỏa thuận nhận tội với Paul Manafort, cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.
“Không chỉ có tôi là không bị truy tố, mà chẳng có ai trong chính quyền của tôi bị truy tố hết”, Guardian dẫn lời phát biểu của cựu tổng thống Obama tại sự kiện ở Houston hôm 27/11.
“Nhân tiện thì đây cũng là chính quyền duy nhất trong lịch sử hiện đại có thể được nhắc tới theo cách đó. Thực chất, không một ai phải rơi vào hoàn cảnh suýt bị truy tố, một phần bởi những người tham gia cùng chúng tôi đều là vì lý do đúng đắn. Chúng tôi ở đó để phụng sự”.
Theo những gì cố vấn đặc biệt Mueller cho biết trong văn bản tòa án tối 26/11, ông Manafort vi phạm thỏa thuận nhận tội đã ký hồi tháng 9 vì “nói dối Cục Điều tra Liên bang và văn phòng cố vấn đặc biệt trong nhiều vấn đề”.
Ông Mueller đang điều tra sự can thiệp của Nga trong bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và khả năng có sự kết cấu giữa đặc vụ Nga với đội ngũ vận động tranh cử cho ông Trump. Theo kết luận của một số cơ quan tình báo Mỹ, sự can thiệp từ phía Nga là nhằm thúc đẩy cơ hội của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Cuộc điều tra của vị cố vấn đặc biệt tới nay đã khiến 3 tổ chức của Nga và 32 cá nhân bị truy tố với các tội danh từ thâm nhập mạng lưới máy tính tới cản trở công lý.
Chủ nghĩa dân tộc bắt nguồn từ thù oán
Cựu tổng thống Obama cũng lên án sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc thiển cận trong nền chính trị Mỹ, ví nó như mối đe dọa ổn định quốc tế và sự thịnh vượng trong nước.
Ông Obama không nêu rõ tên người mà bài phát biểu nhắm tới nhưng Tổng thống đương nhiệm Trump và chiến lược “nước Mỹ trên hết” từ lâu đã luôn phủ bóng mỗi khi cựu tổng thống phe Dân chủ nói về tình trạng giảm sút trong hợp tác giữa lưỡng đảng trên chính trường Mỹ, và sự xói mòn của nền dân chủ trước mối đe dọa từ chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cực đoan.
“Mọi người hỏi tôi điều gì làm tôi ngạc nhiên nhất về chức tổng thống. Câu trả lời là mức độ mà nước Mỹ bảo đảm trật tự quốc tế”, ông Obama nói. “Nếu có vấn đề xảy ra trên thế giới, người ta không gọi Moscow, cũng không gọi Bắc Kinh. Họ gọi Washington. Ngay cả những phe đối địch cũng mong đợi chúng ta giải quyết vấn đề và kỳ vọng chúng ta giữ cho mọi thứ tiếp tục vận hành”.
“Khi tình trạng rối loạn xuất hiện ở Washington, các quyết định sẽ khó được đưa ra, việc hoạch định chính sách cũng khó mà được thực hiện theo quy trình có trật tự. Một trong những vốn quý của chúng ta - nền công vụ và tập thể công chức phi thường, đơn cử như ở bộ Ngoại giao chẳng hạn - khi những thứ đó bị xói mòn, nó không chỉ làm suy yếu tầm ảnh hưởng chúng ta mà còn mang tới cơ hội để hỗn loạn gia tăng khắp thế giới và cuối cùng sẽ đẩy ta vào tình trạng kém an toàn hơn, kém thịnh vượng hơn”.
Cựu tổng thống Obama cũng bày tỏ nuối tiếc về bức tranh toàn cảnh một nền truyền thông phân cực, thiên vị đảng chính trị tới mức cực đoan. Ông tin rằng hiện trạng này đã khiến các nhà lập pháp và cử tri không còn sẵn sàng thỏa hiệp. Quốc hội cũng vì vậy mà mắc kẹt trong các chiến dịch vận động liên miên không ngừng.
Theo ông Obama, trong những thập kỷ trước còn tồn tại “một tập hợp nhận thức chung, một đường cơ sở mà cả hai đảng phải thích nghi và đáp ứng”. Tuy nhiên, vào thời điểm ông nhậm chức (2009), những gì người dân có là một môi trường báo chí mà "nếu bạn là khán giả của Fox News thì bạn sẽ có một thực tế khác hoàn toàn với độc giả của New York Times", tức là nền tảng của mỗi đảng đang ngày càng trở thành vấn đề thuộc ý thức hệ.
Ông cho rằng các nhà lãnh đạo đã không thể lường trước cách thức mà toàn cầu hóa và bất bình đẳng thu nhập làm phát sinh chủ nghĩa dân túy và tâm lý thù địch đối với người nhập cư, kể cả ở những nước có truyền thống dân chủ mạnh mẽ. Và, đây lại là những xu hướng phát triển mà ông Trump khai thác.
“Bạn bất chợt có nền kinh tế ‘được ăn cả, ngã về không’. Vào năm 1960, giám đốc điều hành làm được gấp 10 lần công nhân ở dây chuyền sản xuất, giờ thì đột nhiên chênh lệch là 200 hoặc 300 lần”, ông Obama đánh giá.
“Chúng ta không thích nghi đủ nhanh với sự thật rằng nhiều người đang bị bỏ lại và tình trạng bức bối bùng lên… Tại những môi trường đó, bạn bắt đầu có một nền chính trị khác, nền chính trị dựa trên suy nghĩ rằng ‘người đó không giống bạn và đó là lỗi của họ’. Rồi một nền chính trị trên cơ sở chủ nghĩa dân tộc được sinh ra, không phải từ tự tôn dân tộc mà bắt nguồn từ sự thù ghét đối với những người phía bên kia biên giới”.
Sau khi rời Nhà Trắng và tránh xa những huyên náo trên chính trường Mỹ trong vài tháng, ông Obama gần đây mới lên tiếng nhiều hơn, góp mặt trong chiến dịch vận động của các ứng viên phe Dân chủ trước thềm bầu cử giữa kỳ hồi đầu tháng 11 và từng công kích ông Trump trực tiếp trong bài phát biểu tháng 9.
Ông Obama cáo buộc tổng thống đương nhiệm “lợi dụng sự oán giận mà các chính trị gia tích tụ trong nhiều năm”, cho biết thêm “chính trị của sự thù oán và hoang tưởng, thật không may, đã tìm thấy nơi trú ngụ ở đảng Cộng hòa”.
Obama - Bush và Obama - Trump
Những lời công kích được ông Obama, vị tổng thống Mỹ thứ 44, đưa ra tại sự kiện đánh dấu 25 năm kỷ niệm thành lập Viện Chính sách Công Baker thuộc Đại học Rice.
Viện nghiên cứu lưỡng đảng được đặt theo tên của James Baker, người từng làm việc trong Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush. Ông Baker đứng chung sân khấu với ông Obama, tham gia cuộc trao đổi 50 phút do nhà sử học Jon Meacham điều phối hôm 27/11.
Trước đó cùng ngày, ông Obama đã đến thăm cựu tổng thống Bush tại Houston. Người phát ngôn của ông Bush cho biết cuộc gặp “rất dễ chịu và riêng tư”, đem lại sức sống mới cho một tình bạn vốn đã nồng ấm.
Theo Guardian, nếu so với sự giao hảo giữa Obama và Bush, quan hệ Obama - Trump có phần lạnh nhạt. Trái ngược những bình luận thể hiện sự đối nghịch với chính quyền mới sau cuộc bầu cử 2016 và ngầm ám chỉ ông Trump tự coi mình là trung tâm, ông Obama ca ngợi động thái của chính quyền Tổng thống George W. Bush sau cuộc bỏ phiếu năm 2008.
“Họ đã có giai đoạn chuyển giao hoàn hảo, hào phóng và chu đáo để mọi thành viên dưới thời tổng thống thứ 43 sẵn sàng làm việc cho người kế nhiệm”, ông Obama kể về chính quyền Bush.
“Mặc dù có sự khác biệt thực sự và đáng kể về chính trị, họ biết rằng có một giá trị cao cả quan trọng hơn những điểm khác biệt. Khi bước vào Văn phòng Bầu dục, bạn cảm thấy sự tôn kính dành cho chính nơi này và sự tôn kính đó tồn tại độc lập với bạn. Nếu không cảm thấy được điều ấy thì bạn không nên có mặt ở đó”, cựu tổng thống nói.
Theo Ngọc Hà (Tri Thức Trực Tuyến)