Nước mắt của người mẹ sau thảm họa cháy nhà máy pin khiến 23 người chết tại Hàn Quốc, tiết lộ nhiều dấu hiệu cảnh báo bi kịch từ trước

06/07/2024 13:29:41

Sau thảm họa cháy nhà máy Aricell thuộc Khu liên hợp công nghiệp Jeongok ở Hwaseong (tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc) ngày 24/6, đã có rất nhiều người thân của nạn nhân tìm đến nhà máy nhằm đòi lại công bằng.

Nỗi đau của người mẹ

Khi tôi đến bệnh viện để nhận xác, mọi người bảo tôi đừng nhìn. Nhưng tôi vẫn không nhịn được mà nhìn con gái mình lần cuối... Và, tôi thực sự không dám tin đó chính là đứa con xinh đẹp của tôi, giờ con bé đã ra đi, ra đi mãi mãi..." - Đây là những chía sẻ đẫm nước mắt của bà Cố Hải Ngọc đến từ Diên Biên, Cát Lâm (Trung Quốc) khi đứng tại nhà máy, nơi con gái mình đã thiệt mạng.

Vào sáng 24/6, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà máy sản xuất pin lithium của hãng Aricell ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi khiến 23 người thiệt mạng. Trong số đó có 17 người Trung Quốc, 1 người Lào và 5 người Hàn Quốc. Truyền thông nước này nhận định đây là một trong những vụ hỏa hoạn nhà máy kinh hoàng nhất trong những năm gần đây.

Nước mắt của người mẹ sau thảm họa cháy nhà máy pin khiến 23 người chết tại Hàn Quốc, tiết lộ nhiều dấu hiệu cảnh báo bi kịch từ trước
Tin nhắn cuối cùng "Con đi làm rồi" của con gái bà Cố Hải Ngọc

Con gái bà Cố Hải Ngọc là Lệ Mai (37 tuổi) mới làm việc tại nhà máy này khoảng một tháng là một trong 23 nạn nhân không may qua đời trong vụ tai nạn thương tâm. Bà lau nước mắt, chậm rãi đưa đưa phóng viên xem tin nhắn cuối cùng nhận từ con gái vào sáng ngày xảy ra thảm họa ấy.

Như thường lệ, con gái bà sẽ gửi một câu ngắn gọn: "Con đi làm rồi" vào mỗi sáng. Sau khi tan làm, cô cũng sẽ gửi một câu thông báo: "Con tan ca rồi" cho mẹ. Đây vốn là việc xảy ra hàng ngày. Nhưng vụ thảm họa bất ngờ đã biến đây trở thành tin nhắn cuối cùng của hai mẹ con.

Bà Cố Hải Ngọc kể lại, năm 2014, bà rời quê hương đến Hàn Quốc để làm việc cùng con gái Lệ Mai khi đó mới ngoài 20 tuổi với hy vọng một chương mới cuộc đời sẽ mở ra: "Con gái tôi còn có một con trai 16 tuổi sống với chồng cũ ở Trung Quốc."

Vậy nhưng cuối cùng, tất cả những mơ ước về một vùng đất mới đã bị thiêu rụi.

Nước mắt của người mẹ sau thảm họa cháy nhà máy pin khiến 23 người chết tại Hàn Quốc, tiết lộ nhiều dấu hiệu cảnh báo bi kịch từ trước - 1
Hiện trường vụ hỏa hoạn

Tổn thất nặng nề về cả người và của do vụ hỏa hoạn gây ra đã khiến cả Hàn Quốc không khỏi bàng hoàng. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vội vã đến hiện trường để trực tiếp chỉ đạo xử lý hậu quả, điều tra nguyên nhân... Nhiều phương tiện truyền thông trong và ngoài nước cũng đổ xô đến nơi để đưa tin... Vậy nhưng, người nhà của những nạn nhân vẫn đang vật lộn tìm lại công bằng cho người thân yêu của mình.

Những câu hỏi về an toàn lao động cho người nước ngoài tại Hàn Quốc

Tại Hwaseong, người nhà các nạn nhân, chủ yếu là công dân Trung Quốc được đưa vào tòa thị chính để nghỉ ngơi và tìm hiểu tiến độ điều tra vụ tai nạn cũng như tiền bồi thường. Tràn ngập khắp nơi là những biểu ngữ đầy đau buồn, xót thương cho nạn nhân cũng như buộc tội về sự tắc trách gây ra thảm họa của nhà máy. Các cuộc họp báo với những quy mô khác nhau lần lượt được tổ chức để điều tra về vụ việc.

Vậy nhưng, điều gây ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là vẻ mặt mệt mỏi và lo lắng của người nhà nạn nhân.

Nước mắt của người mẹ sau thảm họa cháy nhà máy pin khiến 23 người chết tại Hàn Quốc, tiết lộ nhiều dấu hiệu cảnh báo bi kịch từ trước - 2
Các tổ chức lao động Hàn Quốc treo biểu ngữ tại nơi xảy ra tai nạn, yêu cầu nhà máy và chính phủ có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.

Một số người nhà cho biết, họ chỉ muốn được bồi thường hợp lý và nhanh chóng chôn cất người đã khuất. Nhiều người thậm chí đã phải bỏ bê công việc để đến Hwaseong. Ngoài nỗi đau buồn sâu sắc, họ còn phải đối mặt với nhiều thủ tục pháp lý và giấy tờ phức tạp.

"Họ nói tiền bồi thường tai nạn lao động chỉ có thể đưa cho vợ chồng hợp pháp của nạn nhân chứ không thể trao cho con, nhưng tôi và vợ đã ly hôn từ lâu rồi. Giờ tôi phải làm sao?" - Cùng con trai 16 tuổi, ông Tô từ Diên Biên, Trung Quốc đến lo cho tang lễ của vợ cũ bất lực nói.

Nước mắt của người mẹ sau thảm họa cháy nhà máy pin khiến 23 người chết tại Hàn Quốc, tiết lộ nhiều dấu hiệu cảnh báo bi kịch từ trước - 3

Bà Hải Ngọc cũng chia sẻ, con gái Lệ Mai mới làm việc ở nhà máy này một tháng bởi "Việc nhẹ lương cao hơn". Tuy nhiên, trước đó ở nhà máy này cũng đã từng xảy ra một vụ cháy nhỏ.

"Tôi hỏi con liệu có an toàn không nhưng con bé đã trấn an tôi và nói không sao đâu. Vậy nhưng một người làm cùng mới đây đã nói cho tôi biết, sau đó vẫn tiếp tục xảy ra một vụ cháy nữa nhưng nó đã giấu tôi. Nếu biết, tôi đã không cho con bé đến làm ở đây nữa."

Bà Hải Ngọc cũng ra đặt một câu hỏi lớn về việc liệu có sai sót nghiêm trọng trong quá trình đào tạo an toàn phòng cháy chữa cháy của nhà máy hay không.

Xem đoạn camera an ninh trong nhà máy ngày xảy ra vụ nổ, bà không khỏi rơi nước mắt khi thấy, vào thời điểm khói bốc lên, những người công nhân tất bật dập lửa, dù con gái bà ngồi gần đó nhưng không biết làm cách nào để thoát ra ngoài. Một lúc sau, ngọn lửa vượt ngoài tầm kiểm soát. Dường như tất cả đều hoảng loạn chạy về góc phòng và cuối cùng bị ngọn lửa nuốt chửng.

Bà Hải Ngọc cho biết, phía nhà máy nói rằng họ đã tổ chức huấn luyện an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng "có lẽ những người Trung Quốc không hiểu tiếng Hàn".

Bà tức giận: "Có cả người Hàn Quốc trong số công nhân tại đó, chẳng nhẽ họ cũng không hiểu sao? Nếu được đào tạo, tại sao tất cả đều chạy vào ngõ cụt?"

Theo Korea Times, Park Soon-kwan, người đứng đầu nhà máy Aricell, đã xin lỗi về vụ tai nạn nhưng vẫn nhấn mạnh nhà máy đã tổ chức huấn luyện về ứng phó khẩn cấp. Cảnh sát Hàn Quốc có kế hoạch thẩm vấn Park Soon-kwan và các giám đốc điều hành công ty về cáo buộc hình sự liên quan đến vi phạm luật an toàn công nghiệp.

Nước mắt của người mẹ sau thảm họa cháy nhà máy pin khiến 23 người chết tại Hàn Quốc, tiết lộ nhiều dấu hiệu cảnh báo bi kịch từ trước - 4

Hàn Quốc chứng kiến ​​số lượng lao động nước ngoài tăng vọt trong những năm gần đây nhằm bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường lao động nước này. Các báo cáo chỉ ra rằng, lao động nước ngoài có nguy cơ tử vong vì tai nạn lao động cao gần gấp ba lần so với lao động Hàn Quốc.

Những ngày qua, bà Hải Ngọc đã về nơi ở của con gái để sắp xếp đồ đạc. Sau khi mất con, bà không thể ngủ ngon dù chỉ một ngày và mọi thứ giống như một cơn ác mộng chẳng thể thoát ra.

"Tôi tưởng như con sẽ đợi ở cửa như thường ngày. Và khi tôi mở cửa, con bé sẽ nói: "Mẹ đến rồi à." - Bà nói trong nước mắt.

"Tôi không quan tâm tới số tiền bồi thường là bao nhiêu, tôi chỉ muốn họ đưa ra lời giải thích và sự công bằng cho con gái tôi. Tôi chỉ muốn chôn cất con bé một cách đàng hoàng và để họ biết rằng chuyện này tuyệt đối không nên xảy ra một lần nào nữa… Bất kể là ở Hàn Quốc, Trung Quốc hay bất cứ nơi nào trên thế giới, mạng sống của con người vẫn đang bị đe dọa."

Theo Phạm Trang (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật