Hàn Quốc là nơi có nhiều doanh nghiệp sản xuất pin lithium, thường được lắp trong điện thoại di động, các thiết bị điện và nhiều sản phẩm khác.
Tuy vậy, quy định an toàn ở nước này vẫn coi đây là vật liệu gây hại cho môi trường, không phải là vật liệu có thể gây cháy nổ, để lại nhiều lỗ hổng trong quy trình đảm bảo an toàn tại các nhà máy sản xuất và tích trữ vật liệu này, theo giáo sư Lee Yong-jae thuộc Đại học Kyungmin, thành phố Seoul.
Nhà máy sản xuất pin xảy ra hỏa hoạn tại Hwaseong được vận hành bởi Aricell, một doanh nghiệp nhỏ cung cấp pin cho quân đội Hàn Quốc và các đối tác khác. Nhìn chung trong ngành hóa chất và công nghiệp chế tạo pin, các doanh nghiệp nhỏ thường gặp nhiều sự cố an toàn hơn so với doanh nghiệp lớn, New York Times dẫn lời chuyên gia cho biết.
"Hỏa hoạn chết người như thế này hiếm khi xảy ra," bà Emma Sutcliffe, giám đốc dự án EV FireSafe ở Melbourne (Australia) nhận xét.
Sutcliffe và các chuyên gia khác cho biết cơ sở sản xuất pin thường chỉ có một tầng, bởi thiết kế như vậy giúp công nhân sơ tán nhanh và dễ dàng hơn trrong tình huống khẩn cấp. Cơ sở sản xuất pin thường đặt xa văn phòng và các tòa nhà khác, đề phòng nguy cơ hỏa hoạn lan nhanh.
Tuy vậy, tòa nhà nơi hỏa hoạn xảy ra có hai tầng, công nhân đóng gói pin trữ ở tầng hai, nơi hỏa hoạn bùng phát, ngay phía trên xưởng sản xuất.
Như nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ ở Hàn Quốc, Aricell phụ thuộc vào nguồn lao động nhập cư để tiết kiệm chi phí. Công nhân được thuê làm thời vụ thường không được đào tạo bài bản các quy trình an toàn, và cũng không có thời gian làm quen kiến trúc tòa nhà nơi họ làm việc, chẳng hạn như lối thoát hiểm khẩn cấp.
Tường của tòa nhà được dựng bằng nhiều tấm kim loại mỏng, cách điện bằng chất dẻo, rất dễ bắt lửa khi hỏa hoạn xảy ra, theo ông Lee Yong-jae. Cơ sở này cũng đặt vật liệu dễ cháy nổ gần cửa ra vào ở tầng hai, một sai sót về phòng cháy chữa cháy, theo các quan chức.
Pin lithium bắt lửa trở nên rất nóng, khiến ngọn lửa khó dập tắt. Vụ hỏa hoạn bắt đầu khi một hộp pin đặt gần cửa ra vào bắt đầu tỏa khói trắng, theo video trích xuất từ camera giám sát. Trong khoảng 37 giây, nhiều hộp pin phát nổ, lửa màu trắng-cam. Vài giây sau, khói độc dày đặc bao trùm tầng hai.
Hầu hết các nạn nhân tử vong nằm gần nhau ở tường đối diện cửa ra vào. Hướng này không có cửa ra vào hay lối thoát hiểm nào. Thi thể các nạn nhân bị cháy đen biến dạng tới mức giới chức phải đánh số trước khi xét nghiệm ADN để xác định danh tính.
"Thi thể bị cháy đen, quần áo chảy ra bám vào da thịt. Không nhận ra nổi nạn nhân là ai," tài xế cứu hộ Lee Geon-ho kể lại.
Chủ tịch Aricell Park Sun-gwan sau đó xin lỗi về cái chết của các công nhân, nhưng phủ nhận doan nghiệp này thiếu các biện pháp an toàn, đồng thời khẳng định đã huấn luyện công nhân cần phải làm gì khi sự cố xảy ra. Cảnh sát cho biết họ sẽ thẩm vấn ông Park và các quan chức doanh nghiệp để xem xét truy tố hình sự.
Vụ hỏa hoạn khiến dư luận Hàn Quốc chú ý hơn về điều kiện làm việc của lao động nhập cảnh từ Trung Quốc và các nước khác. Sau nhiều thập niên chứng kiến tỷ lệ sinh giảm, Hàn Quốc buộc phải tăng số lượng lao động nhập cảnh từ nước ngoài. Những người này được thuê làm các công việc mà báo chí địa phương mô tả là "bẩn thỉu, khó khăn và nguy hiểm".
Hàn Quốc ghi nhận một trong những tỷ lệ tai nạn lao động chết người cao nhất ở các nước phát triển. Lao động nhập cư tại nước này có khả năng thiệt mạng vì tai nạn lao động cao gấp ba lần người Hàn Quốc bản địa, theo nghiên cứu gần đây.
Đan Anh (SHTT)