Hồi đầu tháng, mẫu máu lấy từ hai bệnh nhân ở vùng Ashanti, miền Nam Ghana cho thấy họ có khả năng nhiễm virus Marburg.
Các mẫu máu được gửi tới Viện Pasteur ở Senegal, xác nhận chẩn đoán trên, theo Dịch vụ Y tế Ghana (GHS).
"Đây là lần đầu tiên Ghana xác nhận các trường hợp mắc bệnh do virus Marburg gây ra," giám đốc GHS Patrick Kuma-Aboagye nói.
Vẫn chưa có vaccine hay phương pháp điều trị bệnh Marburg, được cho là chết chóc không kém Ebola. Các triệu chứng bệnh bao gồm sốt cao, xuất huyết trong và chảy máu ngoài da.
Giới chức đã cách ly 98 người được xác định tiếp xúc gần với hai ca bệnh kể trên, GHS thông báo. Hiện Ghana chưa ghi nhận thêm ca nhiễm nào.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bùng phát dịch bệnh tại Ghana. "Giới chức y tế đã phản ứng rất nhanh, chuẩn bị sẵn sàng cho một đợt bùng phát dịch bệnh," giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti nói.
"Điều này rất đúng đắn, bởi nếu không có động thái quyết đoán ngay lập tức, dịch Marburg có thể vượt kiểm soát. WHO đang hỗ trợ giới chức y tế tại nơi xảy ra dịch bệnh, và sau khi đã tuyên bố dịch bệnh bùng phát, chúng tôi có thể sử dụng nhiều tài nguyên hơn", Moeti cho biết thêm.
Châu Phi trước đó đã ghi nhận một số đợt bùng phát Marburg lẻ tẻ tại Anglola, CHDC Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda, theo WHO.
Virus Marburg có thể lây từ các loài động vật nhiễm bệnh, trong đó có dơi.
"Người dân được khuyến nghị tránh xa các hang động có dơi sinh sống, nấu chín thực phẩm trước khi ăn," giới chức Ghana thông báo.
Những người đã tiếp xúc với các ca bệnh, bao gồm nhân viên y tế, cần tự cách ly.
Bệnh Marburg diễn biến khá đột ngột, bệnh nhân thường sốt cao, đau đầu dữ dội. Tỷ lệ tử vong ở các ca nhiễm đã được xác nhận vào khoảng 24-88% trong các đợt bùng phát trước đây, tùy theo chủng virus và cách điều trị, theo WHO.
Lục Chi (Nguoiduatin.vn)