NASA đã xác nhận rằng vụ phun trào núi lửa gần đây ở Tonga mạnh gấp hàng trăm lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima trong Thế chiến 2 . Hơn 4/5 dân số Tongan đã bị ảnh hưởng bởi trận sóng thần sau đó và cũng như sự ô nhiễm không khí vì khói bụi.
NASA cho biết vụ phun trào gần đây đã phá hủy vùng đất mới và "một phần lớn" sự kết nối hai hòn đảo Hunga Tonga và Hunga Ha'apai với nhau..
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Hiện sinh (CSER) của trường đại học Anh cho rằng có quá ít sự chú ý được dành cho các vụ phun trào vừa và nhỏ ở các khu vực khác nhau và hiệu ứng domino tiềm tàng có thể xảy ra từ những vụ phun trào này có thể sẽ gây hậu quả khủng khiếp hơn.
Họ đã xác định được bảy "điểm phun trào", nơi các cụm núi lửa nhỏ đang hoạt động, nằm gần cơ sở hạ tầng quan trọng.
Những khu vực này bao gồm Đài Loan, Bắc Phi, Bắc Đại Tây Dương và một phần của Tây Bắc nước Mỹ.
Tiến sĩ Lara Mani, tác giả chính của báo cáo, đã kêu gọi thế giới "thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về nguy cơ từ thảm họa núi lửa".
“Chúng ta cần tránh xa suy nghĩ về những vụ phun trào khổng lồ hủy diệt thế giới, như được miêu tả trong các bộ phim của Hollywood. Những vụ phun trào có cường độ thấp tác động đến các điểm dễ bị tổn thương xã hội của chúng ta sẽ dễ đẩy chúng ta đến thảm họa.” Cô nói.
Tiến sĩ Mani nói thêm: "Ngay cả một vụ phun trào nhỏ cũng có thể phun ra đủ tro hoặc tạo ra chấn động đủ lớn để phá vỡ các mạng lưới trung tâm của chuỗi cung ứng và hệ thống tài chính toàn cầu".
“Hiện tại, các tính toán đang quá lệch về các vụ nổ khổng lồ hoặc các kịch bản ác mộng, khi mà các rủi ro có khả năng xảy ra cao hơn từ các sự kiện vừa và nhỏ có thể làm vô hiệu hóa hệ thống liên lạc quốc tế, mạng lưới thương mại hoặc các trung tâm vận tải.
“Điều này đúng với động đất và thời tiết khắc nghiệt cũng như các vụ phun trào núi lửa”.
Chỉ số Bùng nổ Núi lửa (VEI) có thước đo cao nhất là 8, và lần phun trào gần đây nhất đo được 8 VEI là Vụ phun trào Taupo vào khoảng 26.500 năm trước Công nguyên ở New Zealand.
Trong khi đó, vụ phun trào gần đây nhất đo được trên 7 VEI là vụ phun trào Núi Tambora vào năm 1815.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Mani và các đồng nghiệp của bà cho rằng những vụ phun trào nhỏ hơn, trên 5 VEI, có thể dễ dàng gây ra thảm họa hủy diệt.
Khi núi Pinatubo phun trào vào năm 1991, nó đo được mức 6 trên VEI, nhưng khoảng cách của nó với cơ sở hạ tầng quan trọng là khá xa, có nghĩa là nó gây ra ít thiệt hại hơn. Trong khi đó, vụ phun trào năm 2010 của núi lửa Eyjafjallajökull, Iceland có quy mô nhỏ hơn núi lửa Pinatubo 100 lần, nhưng gây ra thiệt hại lớn hơn do gió Tây Bắc mang theo những đám mây tro bụi vào đất liền, khiến không phận châu Âu bị đóng cửa.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định eo biển Luzon ở Biển Đông là một rủi ro khác, cũng như eo biển Malacca - nơi mà 40% thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm. Gần nhà hơn một chút, họ cảnh báo rằng việc núi lửa Iceland hoạt động trở lại có thể làm gián đoạn một số tuyến đường hàng không bận rộn nhất ở phía tây.
QT (Nguoiduatin.vn)