Những thực tập sinh Việt Nam để lại sinh mạng ở Nhật Bản

16/10/2018 13:38:29

Bài vị của 81 người Việt Nam - qua đời ở Nhật Bản từ năm 2012 đến cuối tháng 7 năm nay - được sắp xếp ngay ngắn tại ngôi đền Nisshinkutsu thuộc quận Minato ở thủ đô Tokyo.

Những thực tập sinh Việt Nam để lại sinh mạng ở Nhật Bản
Bài vị của những người Việt Nam chết ở Nhật Bản được sắp xếp ngay ngắn tại ngôi đền Nisshinkutsu thuộc quận Minato ở thủ đô Tokyo. Ảnh: ASAHI SHIMBUN

Theo sư cô Thich Tam Tri, 40 tuổi, trong số 81 người nêu trên có nhiều sinh viên hoặc thực tập sinh kỹ thuật trong độ tuổi 20 và 30.

Đặc biệt, có 4 người mới mất trong tháng 7 gần đây. Ba người là các thực tập sinh kỹ thuật và người còn lại là sinh viên. Cả bốn người đều đột ngột từ giã cuộc đời vì những nguyên nhân khác nhau và cả do tự tử.

Làm việc quá độ, sức khỏe suy sụp

Trong bối cảnh số lượng sinh viên và thực tập sinh nước ngoài ở Nhật tăng cao, nhiều người đã mất do làm việc quá độ, sức khỏe suy sụp hoặc do áp lực trong cuộc sống thường ngày của họ.

Do đó, giới chuyên gia cho rằng nhất thiết phải cải thiện môi trường làm việc và áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ dành cho thực tập sinh và sinh viên nước ngoài ở Nhật.

Trong số 3 thực tập sinh kỹ thuật người Việt "ra đi" trong tháng 7 qua và có bài vị đặt tại đền Nisshinkutsu, một người làm công việc liên quan đến hội họa đã tự tử hôm 15-7. Anh để lại mấy lá thư tuyệt mệnh cho công ty, cho người em trai cũng đang sống ở Nhật và gia đình ở Việt Nam.

Anh viết trong thư: "Thật là đau lòng bởi vì bạo lực và ức hiếp". Trước khi mất 1 ngày, anh gọi điện cho em trai tâm sự: "Anh đang cô đơn. Anh uống bia một mình". Ngày hôm sau, người ta phát hiện anh đã chết trong tư thế treo cổ cạnh một dòng sông.

Ngoài ra, giấy chứng tử của một người đàn ông 31 tuổi mất hồi tháng 6 năm nay xác định nguyên nhân gây tử vong là chứng suy tim cấp tính. Một thực tập sinh kỹ thuật khác trong độ tuổi 20 đã được phát hiện đã chết khi một đồng nghiệp sang phòng anh đánh thức anh dậy vào buổi sáng.

Đến Nhật Bản năm 2000, sư cô Thich Tam Tri làm công việc tư vấn cho những người Việt Nam như vậy từ đó đến nay.

Trong tháng này, sư cô đã tổ chức tang lễ cho một sinh viên Việt Nam trước đó được phát hiện nằm chết trên bờ biển Hokkaido.

"Các thực tập sinh và sinh viên cảm thấy căng thẳng về tâm thần một phần là do rào cản về ngôn ngữ. Họ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng khi thường xuyên ăn mì ly để dành tiền bạc. Trong khi đó, họ làm việc cật lực và hậu quả là nhiều trường hợp đã bị bất ổn về thể chất và tinh thần" – sư cô Thich Tam Tri nhận xét.

Những thực tập sinh Việt Nam để lại sinh mạng ở Nhật Bản - 1
Sư cô Thich Tam Tri. Ảnh: ASAHI SHIMBUN

Đột tử ở độ tuổi 20-30

Một chi tiết đáng chú ý là họ tiết kiệm tiền để gửi về cho gia đình ở Việt Nam hoặc để trả các khoản tiền mà họ đã vay nợ để có thể đi Nhật.

Bác sĩ Junpei Yamamura, 63 tuổi, công nhận: "Những người khỏe mạnh chết đột ngột trong độ tuổi 20 hoặc 30 là điều không bình thường. Họ lao vào làm việc mà không nghỉ ngơi đầy đủ. Hậu quả là sự căng thẳng tinh thần và áp lực bào mòn thân xác họ".

Ông Yamamura đã đến Việt Nam hồi tháng 3 năm nay và gặp gỡ người cha của một thanh niên trong độ tuổi 20 đã chết ở tỉnh Miyagi hồi cuối năm 2017. Chàng trai này đến Nhật sau khi đã phải trả khoảng 1,2 triệu yen (tương đương 10.700 USD) thông qua một người môi giới địa phương với hy vọng kiếm tiền cưới vợ.

Một tổ chức đưa anh thanh niên trên đi Nhật nói với người cha rằng con trai ông chết vì bệnh tim và đã gửi tro cốt của anh về cho ông.

Bác sĩ Yamamura cho rằng các thực tập sinh và sinh viên kể trên chết ở Nhật là những nạn nhân của các chính sách không thích đáng của Nhật Bản.

"(Các công ty Nhật Bản) cần phải tuyển dụng họ làm công nhân với những điều kiện thích hợp. Thế nhưng, họ lại cho họ làm việc như thực tập sinh hoặc sinh viên. Gánh nặng chèn ép lên con tim và cơ thể của họ. Chính phủ Nhật Bản cần phải hiểu được các điều kiện sống thực sự của họ và áp dụng các biện pháp ngăn ngừa" – ông nhấn mạnh.

Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, số người Việt Nam sống ở Nhật đã tăng lên 7 lần, từ 36.131 người năm 2007 tăng lên 262.405 người năm 2017, do mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản và Việt Nam cũng như do Nhật Bản thiếu nhân lực.

Số lượng người Việt ở Nhật trong năm 2017 đã vượt qua số người Philippines ở Nhật và trở thành cộng đồng lớn thứ ba sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thêm vào đó, số thực tập sinh Việt Nam ở Nhật ở mức 57.581 người vào cuối năm 2015, chiếm vị trí đầu bảng của Trung Quốc vào cuối năm 2016 và đạt đến 123.563 người vào cuối năm 2017.

Tuy nhiên, nhà chức trách Nhật Bản không rõ tổng số ca tự tử và đột tử trong số sinh viên và thực tập sinh nước ngoài.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Huấn luyện quốc tế Nhật Bản, có 28 thực tập sinh chết vì tai nạn, bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác trong năm tài chính 2016. Trong số đó, 8 người tử vong do các bệnh về tim và não.

Nới về vấn đề này, luật sư Shoichi Ibusuki nhận định: "Tôi nghĩ rằng hệ thống thực tập sinh kỹ thuật có vấn đề về cấu trúc khiến các thực tập sinh khó có thể khiếu nại nếu như điều kiện làm việc của họ tệ hại hoặc tình trạng thể chất của họ sút kém".

Theo ông Ibusuki, có những trường hợp các thực tập sinh bị buộc phải vay nợ trước khi đến Nhật hoặc các tổ chức đưa họ đến Nhật ngăn cấm họ hỏi ý kiến tư vấn tại các văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động hoặc các luật sư.

Thậm chí có nhiều trường hợp các sinh viên mắc nợ phải làm việc thêm nhiều giờ ngoài mức giới hạn 28 giờ/tuần.

"Cần thiết phải sửa đổi những hợp đồng khắc nghiệt với các tổ chức địa phương và thông báo cho các thực tập sinh, sinh viên và gia đình họ rằng ở Nhật có những chương trình bảo hiểm bồi thường cho công nhân cũng như có các trung tâm tư vấn" – luật sư Ibusuki khẳng định.

Theo Hoài Vy (Nld.com.vn)