Kim, hoàn toàn khỏe mạnh trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Daegu, là nữ sinh trung học. Hôm 20/02, một nhà truyền giáo bắt chuyện với cô tại một nhà ga. Cô không ngờ người này là tín đồ Tân Thiên Địa đã nhiễm bệnh, và bản thân cô bị lây virus từ cuộc gặp gỡ kéo dài chỉ 10 phút.
Cô đăng tải việc bản thân bị nhiễm bệnh và được điều trị tới khi phục hồi như thế nào trên Twitter, thu hút sự chú ý của một phóng viên của báo Hankook Ilbo. Người này viết một bài báo về Kim, nhưng khi anh cùng những người khác tiếp cận, cô đã xóa tài khoản Twitter và cắt đứt liên lạc.
Hơn 50% ca nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc được cho là có liên quan tới tín đồ Tân Thiên Địa, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh nước này.
Tuy vậy, Kim hầu như không biết gì về những điều này khi cô gặp nhà truyền giáo nói trên. Cô cho rằng mình còn trẻ mà đeo khẩu trang nói chuyện với người lớn thì không được lịch sự, vậy nên đã tháo khẩu trang và nói chuyện trong vòng 10 phút.
"Tôi không tưởng tượng nổi bản thân nhiễm bệnh chỉ trong thời gian ngắn như vậy," Kim viết trên Twitter.
Hàn Quốc hiện đã ghi nhận gần 9.000 ca nhiễm Covid-19, và dù số ca nhiễm mới mỗi ngày có chiều hướng giảm trong thời gian gần đây, giới chức nước này vẫn cảnh giác trước sự xuất hiện của các ổ dịch mới tại viện dưỡng lão, nhà thờ hay bệnh viện, cũng như các ca ngoại nhập.
Hơn 3.100 bệnh nhân đã phục hồi, nhưng danh tính họ không được công bố. Chỉ một số rất ít đồng ý phỏng vấn với truyền thông địa phương, hoặc chia sẻ những gì đã trải qua trên mạng xã hội, nhưng những người này cũng sớm né tránh sự chú ý của công chúng do lo ngại sẽ hứng chịu chỉ trích.
"Phản ứng như vậy cũng dễ hiểu. Phóng viên hầu như không có cơ hội phỏng vấn họ," Kim Hyun-jong, người viết bài báo về nữ bệnh nhân Kim nói.
Theo bài báo, Kim có triệu chứng nhiễm bệnh khoảng 10 ngày sau khi gặp tín đồ Tân Thiên Địa. Cô được xét nghiệm hôm 02/03.
Hai ngày sau, cô nhận kết quả dương tính, nhưng Kim phải cách ly tại nhà thêm năm ngày, do nhà chức trách Daegu cần thời gian chuẩn bị nơi điều trị cho các bệnh nhân triệu chứng nhẹ.
Cô sốt, ho dữ dội từ 05/03, tệ nhất vào 07/03. Tự cách ly tại nhà, đồ ăn được đưa tới cửa phòng, và cô dùng bữa một mình trong phòng riêng để tránh tiếp xúc gần với các thành viên trong gia đình.
Kim cọ rửa toilet sau khi sử dụng, bằng dung dịch khử trùng do thành phố cung cấp. Quan chức y tế gọi điện vài lần một ngày để cập nhật tình trạng sức khỏe của cô, đồng thời hỗ trợ khẩu trang và các dụng cụ cần thiết khác miễn phí.
Theo chương trình bảo hiểm y tế của Hàn Quốc, chính phủ nước này hỗ trợ viện phí, chi phí điều trị và cung cấp khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và đồ ăn miễn phí cho người bệnh.
Sau những kinh nghiệm đau lòng từ Đại dịch cúm 2009 cướp đi sinh mạng của 263 người và đợt bùng phát Hội chứng hô hấp Trung Đông (2015) khiến 39 người chết, Hàn Quốc được đánh giá là một trong những nước phản ứng tốt nhất với Covid-19.
Các chuyên gia đề cao việc nước này có thể sản xuất bộ xét nghiệm trong thời gian ngắn, đồng thời cũng đánh giá tích cực đối với các động thái quyết liệt của chính phủ Hàn Quốc trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngày 09/03, Kim được chuyển tới khu nhà ở của một công ty tại thành phố Gumi, gần Daegu. Nơi này đã được thiết kế lại thành trung tâm y tế dã chiến chăm sóc bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ.
Tuy rằng triệu chứng của Kim được các bác sĩ đánh giá là nhẹ, cô vẫn cảm thấy hết sức khổ sở với căn bệnh. Cô sốt cao, đổ mồ hôi nhiều, khó thở vào ban đêm.
"Mỗi khi hít vào, tôi thấy như bị dao đâm vào phổi. Khi ho, ống phế quản bị vướng đờm khiến tôi cảm thấy như ngạt thở sắp chết," cô viết.
"Tôi cũng bị đau bụng dữ dội, cảm giác như ruột bị moi ra. Sau khi những cơn đau qua đi, tôi thấy vô cùng mệt mỏi. Tôi nghĩ các cụ ông, cụ bà hẳn sẽ rất khổ sở với những triệu chứng nặng hơn," cô cho biết.
Kim cũng cảm ơn cán bộ y tế vì "sự tận tình, thiện chí," giúp cô vượt qua cơn bệnh, đồng thời hy vọng người dân Hàn Quốc khỏe mạnh, không phân biệt đối xử với người mắc bệnh.
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)