Hôm 22/3, văn bản ban bố tình trạng khẩn cấp đã được Hạ viện Pháp thông qua sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện trước đó.
Việc Quốc hội Pháp thông qua văn bản luật này cho phép chính phủ có quyền ban hành nhiều biện pháp đặc biệt như phong tỏa, hạn chế di chuyển, trưng dụng, huy động nhân lực... trong vòng hai tháng. Chính phủ cũng được ra sắc lệnh về các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và hoãn vòng hai bầu cử địa phương.
Ngoài ra, dự luật còn cho phép gia tăng các biện pháp trừng phạt. Người vi phạm quyết định phong tỏa bị phạt 135 euro, nếu tái phạm "trong vòng 15 ngày" sẽ bị phạt 1.500 euro và nếu "vi phạm bốn lần trong vòng 30 ngày" thì sẽ bị "phạt 3.700 euro và tối đa là 6 tháng tù". Để người dân tuân thủ nghiêm ngặt hơn, nhiều thành phố đã tự ban hành lệnh giới nghiêm, từ 22 hoặc 23 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Văn bản luật ban bố "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe" này dựa trên quy định pháp luật đã được thống nhất sau khi xẩy ra các cuộc tấn công khủng bố năm 2015 tại Pháp. Tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tháng kể từ thời điểm được thông qua và có thể gia hạn.
Hôm 17/3, chính phủ Pháp chính thức tuyên bố phong tỏa toàn quốc trong 15 ngày trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Theo đó, tất cả người dân Pháp sẽ ở nhà và việc ra ngoài chỉ được cho phép đối với những hoạt động thiết yếu đặc biệt.
Tính đến sáng ngày 22/3, đã có tổng cộng 16.018 trường hợp nhiễm bệnh đã được ghi nhận ở Pháp, trong đó có 674 người thiệt mạng. Tổng cộng có 7.240 người đã phải nhập viện sau khi bị nhiễm virus.
Thùy Dương (Nguoiduatin.vn)