Vụ giết người gây chấn động Nhật Bản
Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 1/6/2004, nữ sinh 11 tuổi, được gọi là "Girl A", đã giết chết bạn học của mình, Satomi Mitarai, 12 tuổi, bằng dao rọc giấy trong một phòng học trống tại trường tiểu học Okubo, Sasebo, Nagasaki, Nhật Bản, nơi cả hai đang theo học, vào giờ ăn trưa. Sau đó, Girl A trở lại phòng học với bàn tay và quần áo dính đầy máu.
Khi được giáo viên tra hỏi thì Girl A nói rằng đó không phải là máu của em rồi chỉ tay về phòng học ở cuối hành lang. Trước đó, giáo viên đã để ý không thấy Girl A và Mitarai trong lớp nên nhìn thấy bộ dạng của nữ sinh 11 tuổi khiến cô càng thêm lo lắng, vội chạy về phía phòng học kia để kiểm tra. Khi đó, trước mắt nữ giáo viên là thi thể của Mitarai nằm bất động giữa vũng máu, cô liền hoảng loạn gọi cảnh sát.
Nhận được tin buồn về con gái, bố Mitarai đã lập tức chạy đến hiện trường.
"Khi tôi đến nơi, Mitarai đã nằm đó. Tôi không thể tin những gì đang diễn ra trước mắt mình. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được tâm trạng của tôi lúc đó. Tôi không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra" - bố Mitarai kể lại.
Người đàn ông này cho biết từ trước đến giờ, ông chưa bao giờ nghe con gái nói về bất đồng với bạn bè cùng lớp, rõ ràng là mối quan hệ giữa các học sinh vô cùng chan hòa.
Sau khi bị bắt giữ, Girl A đã thừa nhận hành vi giết bạn học và liên tục nói: "Cháu xin lỗi, cháu xin lỗi". Vào đêm bị bắt ở đồn cảnh sát, nữ sinh này đã không ngừng khóc và từ chối ăn uống. Ban đầu, Girl A nói rằng em không có động cơ giết người. Thế nhưng, không lâu sau, thiếu nữ này đã thay đổi lời khai, thừa nhận với cảnh sát là cả hai đã cãi nhau vì những tin nhắn đăng trên internet. Girl A nói rằng Mitarai đã nhục mạ mình bằng những lời lẽ chê bai ngoại hình, cân nặng.
Ngày 15/9/2004, tòa án gia đình Nhật Bản đã đưa ra phán quyết buộc tội Girl A, bất chấp tuổi tác của hung thủ vì xét đến mức độ tàn độc của vụ án. Sau đó, nữ sinh 11 tuổi bị đưa đến một trường giáo dưỡng ở tỉnh Tochigi trong vòng 2 năm. Tháng 9/2006, bản án dành cho Girl A được gia hạn thêm 2 năm sau khi tòa án thực hiện một cuộc kiểm tra đánh giá tâm lý. Ngày 29/5/2008, chính quyền địa phương thông báo họ không yêu cầu bất cứ bản án bổ sung nào.
Dù gây ra tội ác khó dung thứ nhưng danh tính và hình ảnh của Girl A được truyền thông giữ kín vì nữ sinh này chưa đủ 14 tuổi. Vụ án này càng làm dấy lên tranh cãi về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở Nhật Bản, đã trải qua một lần điều chỉnh từ 16 tuổi xuống còn 14 tuổi vào năm 2000 sau khi bé trai 14 tuổi ra tay giết 2 đứa trẻ nhỏ hơn năm 1997. Ngoài ra, việc Girl A được đánh giá là một đứa trẻ bình thường, cư xử đúng mực, trước khi ra tay giết người, càng khiến xã hội thêm lo lắng.
Sau đó, một bức ảnh chụp tập thể được cho là có sự góp mặt của Girl A và nạn nhân Mitarai được lan truyền trên mạng. Trong đó, Girl A mặc chiếc áo hoodie có chữ "Nevada", từ đó, sát nhân nhí này được người ta gọi là "Nevada-tan". Điều đáng cảnh báo là "Nevada-tan" bỗng trở thành xu hướng đối với những người trẻ. Nó đã truyền cảm hứng cho hội đam mê cosplay ở Nhật tạo ra trang phục Girl A.
Truyền thuyết đô thị ghê rợn
Bên cạnh đó, vụ án này khiến người Nhật Bản nhớ rõ hơn khi nó được cho là có liên quan đến một truyền thuyết đô thị ghê rợn mang tên "Lời nguyền căn phòng đỏ" được lan truyền rộng rãi vào những năm 2000. Đó là câu chuyện về một cửa sổ pop-up bất ngờ xuất hiện trên màn hình vi tính của nạn nhân bất kỳ. Cửa sổ pop-up ấy chứa hình ảnh cánh cửa, đồng thời một giọng nói được thu sẵn vang lên: "Bạn có thích căn phòng màu đỏ không?".
Cửa sổ pop-up này sẽ không đóng lại cho đến khi giọng nói kia đọc hết câu hỏi. Những người nhìn thấy cửa sổ pop-up ấy đều sẽ chết trong khoảng thời gian ngắn sau và căn phòng của người chết sẽ được sơn đỏ bằng một cách nào đó.
Mọi chuyện chỉ dừng lại ở những lời truyền miệng không có căn cứ cho đến khi xảy ra vụ án Girl A giết chết bạn học vào năm 2004. Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện Girl A đã đánh dấu trang (bookmark) "Lời nguyền căn phòng đỏ" trong máy tính của mình. Điều này làm dấy lên sự lo ngại về những tác động tiêu cực của truyền thuyết đô thị với cuộc sống đời thực.
Theo Thái Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)