Vào một ngày mùa Hè tháng 1 năm 1996, Jane, Arnna và Grant Beaumont lên xe buýt để đến bãi biển Glenelg gần đó chơi, nhưng rồi mãi mãi không bao giờ trở lại. Đó là ngày nước Úc ghi nhận vụ án mất tích bí ẩn của 3 đứa trẻ Beaumont và hàng thập kỉ sau trở thành kỳ án kéo dài nhất lịch sử hình sự nước này.
3 đứa trẻ và một người đàn ông da rám nắng trên bãi biển là manh mối duy nhất
Vào lúc 8h45 sáng ngày hôm đó, Jane Beaumont, 9 tuổi đã dẫn 2 em mình là Arnna 7 tuổi và Grant, 4 tuổi tới biển chơi. Hôm ấy thời tiết đặc biệt ngột ngạt, nóng bức, bãi biển đông đúc hơn ngày thường. Đây không phải là lần đầu tiên lũ trẻ tự đi chơi mà không có bố mẹ đi cùng, cô chị lớn Jane rất thành thục về các tuyến xe buýt trong làng. Bãi biển cũng chỉ cách 5 phút di chuyển và lũ trẻ thì chưa bao giờ đi chơi về trễ cả.
Ngày 26/1/1966, cả 3 đã không trở về. Gia đình và lực lượng cảnh sát lập tức mở cuộc tìm kiếm rộng khắp nhưng vô dụng. Sự biến mất của 3 chị em khiến cả nước Úc hồi đó vô cùng sốt sắng, diễn biến vụ việc liên tục được báo chí đưa tin. Có một nhân chứng nói rằng nhìn thấy một người đàn ông dụ dỗ lũ trẻ đi đâu đó, nhưng danh tính anh ta thì không một ai tìm ra được.
Ngày hôm sau, đội điều tra treo thưởng 250 đô la cho bất kỳ thông tin nào được cung cấp, còn nếu dẫn được bọn trẻ trở về an toàn thì sẽ chi trả số tiền thưởng đáng giá cả một gia tài - 1 triệu đô la.
Tuy nhiên, tất cả mà họ nhận về chỉ là những miêu tả loáng thoáng về người đàn ông nói chuyện cùng chúng, dáng người mảnh khảnh và khoảng 30 tuổi. Hắn cởi trần, trên người chỉ mặc độc chiếc quần bơi màu xanh khi đang đứng cạnh 3 chị em Jane. Tuy nhiên, điều khó lý giải hơn cả chính là biểu hiện thoải mái như quen thân từ trước của chúng khi đối mặt với người đàn ông lạ mặt này. Cuối cùng, lời nói vu vơ mà bé gái Arnna từng thủ thỉ với mẹ được gợi nhớ lại trùng hợp trở thành manh mối duy nhất của vụ án. Theo đó, em từng tiết lộ với mẹ rằng cô chị Jane (9 tuổi) đã có bạn trai quen ở bãi biển.
Khi nghe con gái nói vậy, mẹ của lũ trẻ - cô Nancy thầm nghĩ bụng có lẽ người mà con gái nhắc đến là một cậu bé con nào đó mà chúng đã kết bạn ở bãi biển, nhưng với những thông tin ít ỏi về kẻ lạ mặt, cảnh sát suy luận rằng, kẻ bắt cóc có lẽ đã lên kế hoạch tiếp cận và làm thân "con mồi của mình" trước khi ra tay.
Với bản phác thảo về nghi phạm là người đàn ông 30 tuổi da rám nắng, thân hình cao ráo được công bố trên các kênh báo đài, hàng trăm cuộc gọi từ người dân gọi đến nói rằng mình nhìn thấy hắn ta tại bãi biển ngày hôm đó nhưng rồi cuối cùng chẳng có thêm bất kỳ manh mối nào, vụ án vẫn đứng yên tại chỗ. Chẳng ai biết lũ trẻ nhà Beaumont còn sống hay đã chết.
Cuộc gặp với nhà ngoại cảm của lực lượng cảnh sát
Quá tuyệt vọng và bế tắc, cảnh sát đã bay đến tận Hà Lan vào tháng 11/1996 để gặp một... nhà ngoại cảm có tên Gerard Croiset. Croiset phán rằng đã nhìn thấy 3 chị em Jane hiện bị chôn tại một cái kho gần trường học của chúng. Chả khác nào tìm được ánh sáng trong đường hầm, đội điều tra liền theo lời của nhà ngoại cảm để tiếp tục nỗ lực phá án. Người dân địa phương cũng chung sức, thành lập một ủy ban hành động, quyên góp được 40.000 đô la để chi trả công tác phá dỡ và khai quật địa điểm chỉ mong tìm được thi hài của 3 đứa trẻ vô tội.
Đài truyền hình đến tận nơi để cập nhật liên tục vì chắc mẩm lần này sẽ có tiến triển gì đó nhưng ròng rã suốt 1 năm, những cuộc đào sâu tìm kiếm dưới lòng đất cuối cùng đành dừng lại vì tung tích của 3 đứa trẻ vẫn cứ biệt tăm. Một lần khác, một báo cáo kết luận rằng những đứa trẻ nhà Beaumont đang sống ở Quần đảo thuộc bang Victoria. Toàn bộ thủy thủ trên tàu chở hàng của Anh đóng neo ở khu vực đó bị đem ra thẩm vấn nhưng cuối cùng vẫn chẳng có gì khả quan.
Thậm chí, hứa hẹn hơn, một phụ nữ ở Perth còn khai rằng mình từng sống cạnh những đứa trẻ mất tích trong một thị trấn đường sắt hoang vắng mạn giữa Tây và Nam Úc. Nhưng rồi cuối cùng, cảnh sát đến tận nơi cũng phải ngược về vì chẳng tìm ra bất kỳ dấu tích nào của 3 chị em Jane.
Đến tận tháng 3 năm 1986 nghĩa là 20 năm đã trôi qua, vụ án tưởng chừng như được phá giải khi nhà chức trách tìm thấy ba chiếc vali bên trong một thùng rác của khu dân cư. Khi mở chúng ra, họ phát hiện bên trong là những mẩu báo viết về trẻ em với các tiêu đề được gạch chân vô cùng kỳ bí, các lưu ý cũng được viết bên cạnh bằng mực đỏ. Tuy nhiên, lại một lần nữa, hy vọng bị dập tắt khi họ nhận ra rằng 3 chiếc va li với đầy báo cũ thuộc về một người phụ nữ say mê theo dõi các vụ án và người nhà đã quẳng đống tài liệu kia ra đường khi bà qua đời.
Kỳ quái hơn, năm 1997, một cựu thám tử đã theo vụ án nhiều năm tên là Stanley Swaine khẳng định một phụ nữ ở Canberra chính là cô bé Jane của nhiều năm trước và em vẫn còn sống. Người phụ nữ bị cảnh sát thẩm vấn nhưng kết luận cô không phải Jane.
Đến tận năm 2013, vụ án vẫn được tiếp diễn khi 2 anh em nhà nọ khai báo rằng một chủ nhà máy tên là Harry Phipps đã yêu cầu họ đào một con mương trên khu đất vào năm 1966 - đúng năm 3 chị em nhà Beaumont một đi không trở lại. Sau đó, một lần nữa vào năm 2018, họ khai quật địa điểm này lên và quả thực tìm thấy xương khô nhưng hụt hẫng thay, chúng không phải xương người.
Nửa thế kỷ đã trôi qua và vụ án mất tích chỉ càng rơi vào tuyệt vọng
Cứ thế cho đến nay, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, vụ án mất tích vẫn nguyên vẹn là một dấu chấm hỏi lớn. Dù cho hàng ngàn lần cảnh sát làm mọi thứ, thu thập mọi lời khai, chấp nhận những cách điên rồ nhất và tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc để tìm ra 3 đứa trẻ năm nào nhưng cuối cùng lại đành phải quay ngược về điểm xuất phát.
Mẹ của lũ trẻ nhà Beaumont chẳng thể đợi được thông tin của các con, sống hàng thập kỷ trong đau đớn để rồi qua đời năm 2019 ở tuổi 92. Chồng bà vẫn còn sống. Sách, phim truyền hình và podcast về các vụ án hình sự trong xã hội vẫn tiếp tục khám phá để tìm lời giải. Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là có lẽ những đứa trẻ Beaumont năm ấy đã chết từ lâu, vẫn bị giam cầm hoặc sống tự do ở đâu đó - với mục đích ẩn danh, để lại kỳ án bí ẩn bỏ ngỏ dài hơi nhất trong lịch sử nước Úc.
Theo P.H (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)