Nữ lao động Việt bị đốt: Cướp bóc thường xuyên ở Angola

13/12/2016 14:16:00

Ngày 13-12, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết hiện nay an ninh tại Angola khá phức tạp, tình hình cướp bóc xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó dịch bệnh sốt rét chưa được kiểm soát khiến nhiều lao động hoang mang, lo sợ.

Ngày 13-12, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết hiện nay an ninh tại Angola khá phức tạp, tình hình cướp bóc xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó dịch bệnh sốt rét chưa được kiểm soát khiến nhiều lao động hoang mang, lo sợ.

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cũng khuyến cáo người lao động không nên đi làm việc tại Angola theo kênh không chính thức, bởi đi theo kênh này người lao động sẽ có nguy cơ gặp nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ.

Trong những năm qua, số người Việt Nam tại Angola tử vong có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bị cướp đánh, dịch bệnh. Đặc biệt, tình trạng cướp bóc, giết người xảy ra thường xuyên tại Angola mà lực lượng cảnh sát ở nước này không kiểm soát được, rất nguy hiểm đối với người lao động làm việc tại Angola.

Nữ lao động Việt bị đốt: Cướp bóc thường xuyên ở Angola - ảnh 1
Người lao động Angola đang  gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.

Liên quan đến nữ lao động Việt Nam Hoàng Thị Văn bị cướp đốt chết, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã kiểm tra, xác minh nhưng không thấy thông tin của lao động trên do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có hợp đồng cung ứng được Cục cho phép đưa lao động sang làm việc tại Angola.

“Hiện nay, Cục đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola xác minh, kiểm tra thêm các thông tin liên quan về người lao động phục vụ công tác phối hợp hỗ trợ giải quyết...”, Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết trước tình hình phức tạp trên đơn vị sẽ làm việc với Cục Quản lý lao động ngoài nước để đánh giá và rà soát lại tình hình thị trường Angola. Nếu bất ổn đơn vị sẽ tìm thị trường khác cho người lao động.

Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, cho biết ngày 30-11, một toán cướp đã vào khu nhà trọ của chị Hoàng Thị Văn (29 tuổi, quê ở thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tại tỉnh Huambo phá cửa cướp tài sản. Do chị Văn đã gửi hết tiền về quê nên bị cướp dùng xăng phóng hỏa đốt. Mặc dù được bạn bè đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng chị Văn đã tử vong hồi 22 giờ ngày 7-12, sau 10 ngày chữa trị.

Có sáu doanh nghiệp đưa người lao động sang Angola

Hiện nay, có 6 doanh nghiệp được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép tham gia thí điểm đưa lao động sang làm việc tại Angola, gồm HLC, VTC Corp, Oleco, Taylor, IMS, Labcoop. Các doanh nghiệp này đã đưa được 251 lao động sang làm việc tại thị trường này, cho đến nay chỉ còn 34 lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng tại Angola.

Nhìn chung, những lao động được các doanh nghiệp đưa đi có việc làm, thu nhập, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt đảm bảo. Người lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong ngành xây dựng, mức lương cơ bản từ 800 USD - 1000 USD/tháng.

Người lao động cần biết

Người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Angola cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin về đất nước này trước khi đưa ra quyết định.

Đặc biệt trong bối cảnh trật tự xã hội của Angola rất đáng lo ngại (cướp bóc, giết người); hệ thống luật pháp của Angola trong thực tế còn lỏng lẻo.

Điều kiện sống tự nhiên khá nguy hiểm do nhiều dịch bệnh (sốt rét, sốt vàng da, ruồi vàng) và nguồn nước uống bị ô nhiễm. Hệ thống bảo hiểm y tế của nước này chưa có nên chi phí y tế khá đắt đỏ, có thể lên đến vài chục ngàn đô la một lần khám chữa bệnh thông thường.

 
Theo Viết Long (Pháp Luật TP HCM)