Nữ doanh nhân gửi 35 tỷ đồng vào tài khoản, sau 4 tháng chỉ còn 2 nghìn đồng, có hơn 80 giao dịch bất thường: Giám đốc ngân hàng thông báo 'đó là quy trình nội bộ'

13/02/2025 11:11:46

Số tiền lớn của người phụ nữ đã bốc hơi khỏi tài khoản ngân hàng mà không rõ lí do. Lời giải thích của đại diện ngân hàng khiến ai nấy ngỡ ngàng.

Tiền trong tài khoản biến mất bí ẩn

Vào tháng 4 năm 2020, bà Lý Hồng Di, một nữ doanh nhân thành đạt tại Quảng Châu, đã gửi 10 triệu NDT (khoảng gần 35 tỷ đồng) vào một ngân hàng có uy tín. Bà tin rằng đây chính là cách an toàn và đơn giản nhất để vừa bảo vệ tài sản, vừa sinh lời. Tuy nhiên, chỉ bốn tháng sau khi kiểm tra tài khoản, bà ngơ ngác khi thấy số dư chỉ còn vỏn vẹn 0,62 NDT (khoảng 2 nghìn đồng).

Nữ doanh nhân gửi 35 tỷ đồng vào tài khoản, sau 4 tháng chỉ còn 2 nghìn đồng, có hơn 80 giao dịch bất thường: Giám đốc ngân hàng thông báo 'đó là quy trình nội bộ'
Ảnh minh hoạ

Quá hoảng hốt, bà lập tức đến ngân hàng yêu cầu kiểm tra khoản tiết kiệm. Sau nhiều lần xác minh, kết quả vẫn không thay đổi, toàn bộ số tiền của bà gần như biến mất không dấu vết. Tức giận, bà Lý kiên quyết đòi gặp Giám đốc Ngân hàng là ông Ngụy Hằng để yêu cầu lời giải thích. Thế nhưng, thay vì một câu trả lời thỏa đáng, bà chỉ nhận lại một phản hồi lạnh lùng: ""Ngân hàng của chúng tôi cũng không chắc chắn về điều này. Bà có thể tự kiểm tra sao kê ngân hàng hoặc gọi cảnh sát."

Phẫn nộ trước những lời giải thích mập mờ từ phía ngân hàng, bà Lý quyết định trình báo cảnh sát để làm rõ vụ việc. Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện số tiền trong tài khoản của bà đã bị rút một cách bất hợp pháp. Đáng chú ý là số tiền này không bị rút cùng lúc mà được chia nhỏ thành hơn 80 giao dịch hàng ngày vào tài khoản của một công ty tín thác đầu tư.

Điều tra sâu hơn, cảnh sát phát hiện công ty tín thác đầu tư này thuộc sở hữu của một cá nhân có quan hệ mật thiết với ban lãnh đạo ngân hàng. Đặc biệt, cảnh sát cũng xác định thêm người trực tiếp liên quan đến vụ việc là Vu Tuấn - người quản lý sảnh giao dịch. Với sự hỗ trợ của Giám đốc Ngân hàng là Ngụy Hằng, Vu Tuấn đã lợi dụng quyền lực để tiến hành vô hiệu hóa thông báo giao dịch từ ngân hàng gửi cho bà Lý, khiến bà không hề hay biết về những khoản tiền bị rút trái phép.

Khi bị phát hiện, cả hai ra sức chối bỏ trách nhiệm: "Đây là quy trình nội bộ của ngân hàng nên tôi không thể tiết lộ thêm."

Cả 2 viện cớ do sự cố kỹ thuật và quy trình nội bộ để che giấu hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, những bằng chứng do cảnh sát thu thập đã phơi bày sự thật rằng đây không phải là một sai sót ngẫu nhiên mà là một kế hoạch có tổ chức, được dàn dựng tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Cuộc chiến pháp lý

Bà Lý quyết định khởi kiện ngân hàng ra tòa để đòi lại công lý. Thế nhưng, phiên tòa sơ thẩm đã gây chấn động khi phán quyết rằng đây chỉ là hành vi cá nhân của Vu Tuấn, và ngân hàng không phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, luật sư phía ngân hàng còn lập luận rằng bà Lý đã thiếu cẩn trọng trong việc quản lý tài khoản, gián tiếp tạo điều kiện cho hành vi gian lận xảy ra.

Không chấp nhận phán quyết bất công, bà Lý tiếp tục kháng cáo. Sau nhiều nỗ lực kiên trì, cuối cùng tòa án cấp cao đã đưa ra phán quyết công bằng, buộc ngân hàng phải bồi thường 4,5 triệu NDT (hơn 15,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, phần lớn số tiền còn lại vẫn không thể thu hồi.

Nữ doanh nhân gửi 35 tỷ đồng vào tài khoản, sau 4 tháng chỉ còn 2 nghìn đồng, có hơn 80 giao dịch bất thường: Giám đốc ngân hàng thông báo 'đó là quy trình nội bộ' - 1
Ảnh minh hoạ

Vụ việc của bà Lý không phải là trường hợp duy nhất về rủi ro tiềm ẩn khi gửi tiền tại ngân hàng. Trước đó, một vụ việc tương tự đã xảy ra tại một ngôi làng nhỏ ở Thiệu Hưng, Chiết Giang (Trung Quốc). Khi ngôi làng chuẩn bị bị giải tỏa, hơn 42 hộ dân nhận được khoản tiền đền bù và quyết định gửi tổng cộng 27,9 triệu NDT (hơn 97 tỷ đồng) vào ngân hàng để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, một năm sau, số tiền này bỗng dưng biến mất khỏi tài khoản mà không ai hay biết.

Nếu không phải tình cờ ông Trân đến ngân hàng để rút tiền mua xe cho con trai, có lẽ cả làng vẫn chẳng hề hay biết rằng bản thân đã mất tiền. Ban đầu, phía ngân hàng khẳng định rằng mọi giao dịch đều hợp lệ. Tuy nhiên, sau khi tiến hành điều tra, cảnh sát phát hiện một nhân viên ngân hàng tên Trần Hùng đã sử dụng giấy tờ giả để chiếm đoạt số tiền của dân làng. Khi sự việc vỡ lở, ngân hàng lập tức từ chối trách nhiệm, cho rằng đây chỉ là hành vi cá nhân của Trần Hùng và không liên quan đến họ. Trần Hùng sau đó bị sa thải và bỏ trốn, khiến người dân không thể lấy lại tiền.

Sau khi bị bắt, Trần Hùng thừa nhận đã dùng toàn bộ số tiền để đánh bạc, mong đổi đời nhưng cuối cùng trắng tay. Dù kẻ phạm tội đã bị trừng phạt, nhưng điều đau xót nhất là số tiền của dân làng vẫn không thể thu hồi.

Những vụ việc này như hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người cần hết sức cẩn trọng trong việc khi gửi tiền vào ngân hàng. Việc theo dõi sát sao các giao dịch, kiểm tra định kỳ tài khoản và hiểu rõ các chính sách bảo vệ khách hàng là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, ngay cả những tổ chức tài chính tưởng chừng đáng tin cậy nhất cũng có thể tiềm ẩn rủi ro, và chỉ có sự cẩn trọng của chính mỗi người mới có thể giúp họ tránh khỏi những tình huống tương tự.

Theo Khánh Ngọc (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật