Số tiền trong sổ tiết kiệm không cánh mà bay
Theo 163, sau 10 năm chăm mẹ chồng bị ốm nằm liệt giường, cô Du (Thiểm Tây, Trung Quốc) được bà cụ để lại một cuốn sổ tiết kiệm với số tiền lên đến 620.000 NDT (hơn 2,1 tỷ đồng). Cô cho biết ngày công bố di chúc cả nhà đều ngỡ ngàng khi mẹ có số tiền lớn đến như vậy. Song tất cả con cháu đều tôn trọng quyết định bà để lại, không ai thắc mắc hay tranh giành với người con dâu này. Bởi mọi người hiểu công lao cô đã bỏ ra trong nhiều năm qua.
Sau khi di chúc được công bố, luật sư đã hỗ trợ cô Du làm các thủ tục để có thể đến ngân hàng rút khoản tiền trong sổ tiết kiệm của mẹ chồng một cách dễ dàng. Khi có đủ giấy tờ trong tay, sáng hôm đó, người phụ nữ này đã mang sổ đến ngân hàng để rút tiền.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận thông tin từ nữ khách hàng, giao dịch viên bất ngờ thông báo số tiền trong sổ tiết kiệm này đã được tất toán toàn bộ. Chính vì thế, ngân hàng không thể tiếp tục trả cô thêm khoản tiền kể trên.
Cảm thấy khó hiểu về lời khẳng định trên, cô Du yêu cầu người này kiểm tra thông tin thêm lần nữa để chắc chắn không có sự nhầm lẫn nào xảy ra. Song kết quả không thay đổi.
Lúc này, người phụ nữ yêu cầu ngân hàng phải giải thích về trường hợp khó hiểu trên. Du cho biết giấy gửi tiết kiệm cô vẫn cầm trong tay, vậy tại sao lại có người khác đến rút được tiền trong cuốn sổ này. Đồng thời, cô cho rằng nếu không thể giải trình hợp lý, ngân hàng phải hoàn trả khách hàng số tiền 620.000 NDT cùng khoản lãi tương ứng đã ghi trên giấy gửi tiền.
Tòa án phán quyết có lợi cho người gửi tiền
Sau nhiều lần đàm phán song 2 bên không đạt được thỏa thuận. Cô Du quyết định kiện ngân hàng ra tòa án địa phương, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ với khách hàng và chịu án phí.
Tại tòa, 2 bên khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình. Theo đó, nguyên đơn cô Du cho biết sau khi mẹ chồng quá cố gửi 620.000 NDT vào ngân hàng. Bà đã được nhà băng cấp cho giấy gửi tiền có con dấu. Điều không may là bà qua đời trước khi đến thời hạn rút tiền, nhưng đã viết di chúc để lại cuốn sổ này cho cô Du. Đồng nghĩa, cô có thể đến ngân hàng tất toán số tiền trong sổ tiết kiệm trên.
Trước lập luận trên, ngân hàng đã đưa ra lý lẽ để bảo vệ mình. Người đại diện của nhà băng cho biết trích xuất dữ liệu trên hệ thống ngân hàng, số tiền gửi đã được rút cách đây 15 năm. Ngân hàng khẳng định chỉ đang làm theo như dữ liệu đã có và không cố tình có hành vi chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Sau khi xem xét toàn bộ vụ việc, tòa án sơ thẩm đã có phán quyết. Theo Điều 34 Luật Quản lý tiền tiết kiệm của Trung Quốc quy định, trong trường hợp đặc biệt, nếu tiền gửi tiết kiệm do người khác đến nhận thay thì phải xuất trình được bản gốc giấy gửi tiết kiệm và giấy tờ chứng minh được ủy quyền.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, ngân hàng đã không cung cấp được bằng chứng hợp lý để chứng minh rằng khoản tiền đã được người gửi tiền ủy quyền đến rút. Song song với đó, cô Du vẫn đang giữ trong tay bản gốc giấy gửi tiết kiệm chưa được tất toán. Do đó, ngân hàng phải chịu mọi hậu quả trong trường hợp này.
Sau cùng, tòa án sơ thẩm yêu cầu ngân hàng phải hoàn trả cô Du đúng số tiền trên sổ tiết kiệm cùng khoản lãi tương ứng. Không hài lòng với bản án trên, nhà băng quyết định kháng cáo và đưa vụ việc lên tòa phúc thẩm. Đồng thời, ngân hàng đã bổ sung các chứng từ chứng minh có người đến rút số tiền của mẹ chồng cô Du để chứng minh họ không có trách nhiệm phải bồi thường số tiền trên.
Tuy nhiên, sau khi xem xét các bằng chứng, tòa án cấp phúc thẩm cho rằng chứng từ ngân hàng cung cấp chỉ chứng minh được việc đã có người đến rút tiền. Bằng chứng này hoàn toàn không thể khẳng định được người rút tiền nhận được ủy quyền của người gửi tiền, tức mẹ chồng cô Du. Do đó, tòa án cấp 2 giữ nguyên bản án ban đầu.
Theo Đinh Anh (Nguoiduatin.vn)