Chu Nguyên Chương được coi là một trong những vị Hoàng đế có xuất thân thấp kém nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ông sinh ra trong một gia đình bần nông ở Tứ Châu (nay là huyện Hu Dị, tỉnh Giang Tô). Ông từng là một đứa trẻ chăn trâu, đã từng làm hòa thượng thậm chí còn làm cả ăn mày.
Chu Nguyên Chương đã từ giai cấp thấp nhất trong xã hội từng bước bước lên ngôi hoàng đế. Ngoài những kẻ thù, có những người bạn và anh em cũng đã phải bỏ mạng trong tay Chu Nguyên Chương. Ông ta nắm quyền nhiều năm nên nảy sinh tính đa nghi. Ông thậm chí đã nghĩ hết mọi cách để giết sạch toàn bộ huynh đệ đã từng cùng mình tạo phản, giết đến mấy vạn người cũng không hề nương tay.
Trước khi nhà Minh được thành lập, Chu Nguyên Chương thường cảnh báo con cháu và những người xung quanh rằng ông phải đối xử tốt với hai kiểu người. Hai kiểu người đó chính là thiện phu và tiết công, theo như ngày nay thì chính là đầu bếp và thợ cắt tóc. Họ đều thuộc ngành dịch vụ dưới đáy xã hội từ xa xưa. Tại sao Chu Nguyên Chương lại coi trọng họ như vậy?
Đầu bếp
Sau khi Chu Nguyên Chương thành lập nhà Minh, ông bắt đầu phân vương cho tất cả các con cháu của mình. Vào năm Hồng Vũ thứ 11, các vị Hoàng tử (bao gồm cả cháu ông) cũng đều đã trưởng thành, theo quy định Chu Nguyên Chương đề ra, tất cả trước sau cũng đều phải đến đất phân phong của mình.
Dẫu vậy, trong mỗi phủ của Hoàng tử đều được bố trí những người thân tín xung quanh, có thể bất cứ lúc nào cũng có thể báo cáo mọi hành tung của các hoàng tử trẻ tuổi này cho Chu Nguyên Chương.
Có một hôm, Chu Nguyên Chương nhận được mật báo từ Tần vương phủ nói rằng Tần vương Chu Sảng trên đường tức giận, dùng roi đánh đầu bếp, Chu Nguyên Chương lập tức viết sắc dụ, sai người lập tức mang đến cho Tần vương. Trong thư, đầu tiên ông nghiêm túc cảnh cáo Chu Sảng và sau đó đích thân giải thích lý do tại sao nên đố xử tử tế với đầu bếp.
Chu Nguyên Chương đã viết trong bức thư rằng: "Ăn cơm là để sống, nếu không có kẻ nấu cơm thì những người làm việc khác cũng khó làm… không thể coi người đầu bếp nấu cơm là kẻ tầm thường được… nếu cứ nhiều lần dùng roi đánh như thế, e là sẽ gây họa khó lường, tính mạng cũng chỉ đến đó mà thôi…“.
Chu Nguyên Chương hiểu rõ tầm quan trọng của người đầu bếp. Họ là người làm cơm cho ta ăn, nếu như họ thật sự sinh lòng oán hận, sẽ nhân cơ hội hạ độc trong thức ăn, đến lúc ấy cho dù có đem chín đời nhà tên đầu bếp đi chém cũng chẳng thể lấy lại mạng của mình, cho nên dù có như thế nào, thì cũng nhất định phải đối xử tốt với đầu bếp của bản thân.
Điều tương tự cũng xảy ra với con trai thứ ba của Chu Nguyên Chương - Tấn vương Chu Cương. Sau khi biết chuyện, Chu Nguyên Chương lại viết một bức chiếu thư, ý là nói người làm cha là mình đây đã đánh trận bao nhiêu năm, người nào cũng dám xử lý, nhưng lại đối xử rất tốt với đầu bếp. Vị đầu bếp theo hầu bản thân là Từ Hưng Tổ đã theo hầu 23 năm, nhưng bản thân ông chưa từng nặng lời với hắn câu nào, nay người làm con cũng phải học được điều đó, phải biết nguyên tắc, vì suy cho cùng tính mạng mình mới là điều quan trọng nhất.
Có thể thấy rằng Chu Nguyên Chương đối xử tốt với người đầu bếp và các con trai của ông cũng nên đối xử như vậy, có như thế mới có thể sống thoải mái được, vì kẻ quyền quý thì tiếc mạng.
Thợ cắt tóc
Còn về thợ cắt tóc cũng như thế, vì cho dù có là dao cắt tóc thì cũng là dao, đều có thể dùng để giết người, nhưng dù có nguy hiểm hơn đi chăng nữa, thì Hoàng đế cũng vẫn cần cắt tóc. Cho nên, vì lo lắng cho chính mình, Chu Nguyên Chương cũng chưa bao giờ nặng lời trách mắng thợ cắt tóc, thậm chí còn thưởng cho rất hậu.
Theo Dương Huyền (Công Lý & Xã Hội)