Cuộc “nội chiến” giữa hai anh em Mukesh và Anil bắt đầu vào năm 2002, khi cha của họ - Dhirubhai Ambani, người sáng lập công ty gia đình Reliance Industries, qua đời ở tuổi 69 sau một cơn đột quỵ nặng mà không để lại di chúc. Lúc đó, Reliance Industries đã là một tập đoàn công nghiệp hàng đầu ở Ấn Độ, nổi tiếng trong lĩnh vực hóa dầu.
Đấu đá nội bộ
Sau sự ra đi đột ngột của cha, ông Mukesh, với tư cách là con trai trưởng đã trở thành chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của tập đoàn gia đình. Vì là con thứ, nên ông Anil giữ chức phó chủ tịch của đế chế này.
Dẫu vậy, mối quan hệ giữa họ trở nên căng thẳng từ đó vì tranh chấp tài sản người cha để lại. Trong dư luận râm ran những tin đồn ông Mukesh thậm chí đã ngấm ngầm tìm cách đẩy em trai ra khỏi hội đồng quản trị Reliance Industries.
Sự thù địch giữa hai anh em trở nên công khai khi trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC TV18 hồi tháng 11/2004, ông Mukesh thừa nhận hai người bất đồng về cách quản lý tập đoàn gia đình cũng như các vấn đề về quyền sở hữu.
Khi ấy, gia đình Ambani đang nắm 46,67% cổ phần của Reliance Industries, trong khi các nhà đầu tư cá nhân chiếm 13,48% cổ phần và các tổ chức đầu tư nước ngoài thâu tóm 22,85% còn lại.
Năm 2005, bà Kokilaben, mẹ của Mukesh và Anil đã ra tay “dẹp loạn” và chia đôi đế chế kinh doanh của gia đình. Theo một "thỏa thuận hòa bình" do người mẹ dàn xếp, Anil, người đã kết hôn với một ngôi sao điện ảnh Bollywood và có lối sống phô trương hơn, tiếp quản các hoạt động về tài chính, phát điện và viễn thông của tập đoàn, rồi mở thêm một công ty sản xuất phim. Mukesh nhận mảng kinh doanh khai khoáng và hóa lọc dầu, vốn là cốt lõi của tập đoàn.
Việc kinh doanh thuận lợi ban đầu khiến người em phất lên nhanh chóng. Năm 2007, tạp chí Forbes ước tính, giá trị tài sản ròng của Anil đã tăng gấp 3 lần, lên tới 45 tỉ USD và giúp ông trở thành người giàu thứ 3 ở Ấn Độ. Trong khi, tổng trị giá tài sản của Mukesh lúc đó chỉ khoảng 4 tỉ USD.
Đối đầu trong kinh doanh
Mặc dù đã phân chia tài sản, nhưng mối quan hệ của hai anh em nhà Ambani vẫn “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Cạnh tranh gay gắt trong kinh doanh đã khiến họ trở nên thù địch nhau.
Năm 2008, Anil cáo buộc Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Murli Deora đã thông đồng với anh trai mình khi không phê duyệt việc công ty khai khoáng của Mukesh bán khí đốt với giá chiết khấu cho công ty điện của ông theo thỏa thuận hòa giải gia đình năm 2005. Theo Anil, quyết định về cơ bản đã tăng gấp đôi lợi nhuận bán khí đốt của anh trai lên tới 7 tỉ USD.
Anil cũng đổ lỗi một phần do Mukesh khiến vụ sáp nhập giữa công ty viễn thông của ông với nhà mạng MTN của Nam Phi không thành.
Tháng 9 cùng năm, Anil đã kiện anh trai ra tòa vì tội phỉ báng và đòi bồi thường đến hơn 2,1 tỉ USD sau khi Mukesh chỉ trích em trai trong một bài phỏng vấn đăng tải trên tờ New York Times.
Tháng 10/2009, hai anh em nhà Ambani đã đưa những tranh cãi về thỏa thuận cung ứng khí đốt tới Tòa án tối cao Ấn Độ nhờ phân xử. Đến tháng 5/2010, Tòa án tối cao ra phán quyết có lợi cho Mukesh, khẳng định công ty của ông có thể bán khí đốt cho công ty của em trai với giá do chính phủ ấn định, cao hơn so với giá trong thỏa thuận gia đình năm 2005. Anil lần này tuyên bố sẽ không yêu cầu xem xét lại bản án. Các công ty của họ có 6 tuần để đàm phán lại thỏa thuận.
Bà Kokilaben một lần nữa ra mặt dàn xếp thỏa thuận hòa giải mới giữa 2 con trai, trong đó có các điều khoản về việc không cạnh tranh với nhau. Một tháng sau, Anil cũng rút đơn kiện anh trai tội phỉ báng.
Tuy nhiên, hai người vẫn tiếp tục có những va chạm trong việc kinh doanh. Năm 2010, Mukesh lấn sân sang mảng viễn thông và xin cấp phép phổ tần cho nhà mạng sắp trình làng của mình. Động thái đánh dấu việc ông ngay lập tức trở thành đối thủ trong lĩnh vực người em trai đang theo đuổi, khiến cho bất hòa giữa hai người ngày càng trầm trọng.
Khi chính thức đi vào hoạt động vào năm 2016, công ty viễn thông Reliance Jio Infocom của Mukesh nhanh chóng thu hút hàng triệu người sử dụng nhờ các dịch vụ giá siêu rẻ cùng vô số chương trình khuyến mại hấp dẫn. Các công ty đối thủ của Jio không còn cách nào khác đành phải giảm giá dịch vụ.
Theo tạp chí Financial Times, bất chấp những đồn đoán về sự ưu ái của chính phủ cùng các chiêu thức “chèn ép” nhằm hạ gục đối thủ cạnh tranh, công ty Jio của Mukesh ngày càng phát triển lớn mạnh, đẩy một loạt công ty viễn thông khác đến bờ vực phá sản hoặc phải rút khỏi thị trường. Công ty Reliance Communications của Anil cũng bị ảnh hưởng nặng nề, buộc phải rút khỏi mảng di động vào năm 2017 trước khi nộp đơn xin phá sản vào năm 2019.
Anh thành tỷ phú giàu nhất châu Á, em trắng tay
Nhờ đầu óc nhạy bén, tầm nhìn táo bạo và việc hoạch định chiến lược hợp lý, hoạt động kinh doanh của Mukesh ngày càng phất lên "như diều gặp gió", bành trướng trong nhiều lĩnh vực từ hóa lọc dầu, viễn thông, thương mại điện tử đến các chuỗi bán lẻ tạp hóa, điện tử và hàng thời trang. Ông cũng trở thành người giàu nhất Ấn Độ suốt từ năm 2009 đến nay (ngoại trừ năm 2020) và từng 3 lần lọt top 10 tỉ phú giàu nhất thế giới trong các năm 2021, 2022 và 2023 theo xếp hạng của tạp chí Forbes. Với tổng trị giá tài sản ước đạt 117,5 tỉ USD tính đến ngày 4/3 năm nay, Mukesh cũng đang là người giàu nhất châu Á.
Ngược với người anh trai, Anil ngày càng lụn bại vì chiến lược kinh doanh bất hợp lý, sự thiếu tập trung, việc ra quyết định bốc đồng và gánh nặng nợ nần gia tăng. Năm 2019, việc nợ nần trở nên nghiêm trọng đến mức ông suýt phải ngồi tù vì trễ hạn thanh toán khoản nợ 77 triệu USD cho tập đoàn Ericsson của Thụy Điển. Anil đành đến cầu xin anh trai giúp đỡ và được Mukesh chấp nhận giải cứu vào phút chót. Ông sau đó ra thông cáo gửi "lời cảm ơn chân thành từ trái tim tới người anh trai đáng kính của mình".
Tuy nhiên, Bloomberg trích dẫn những người trong cuộc tiết lộ, để đổi lấy tiền của Mukesh, Anil đã nhượng lại 2 hợp đồng cho thuê văn phòng ở Mumbai. Thông cáo có trích lời Anil, nhưng do phía anh trai soạn thảo và ông chỉ được xem qua trước khi công bố.
Dẫu thoát vòng lao lý nhưng sóng gió vẫn đeo bám Anil. Tháng 2/2020, doanh nhân này bị 3 ngân hàng Trung Quốc khởi kiện, buộc ông phải chịu trách nhiệm về khoản vay 925 triệu USD của công ty viễn thông của ông vào năm 2012. Đến tháng 5/2020, tòa án ở Anh đã ra phán quyết rằng buộc Anil phải trả cho các chủ nợ Trung Quốc 717 triệu USD. Sức ép quá lớn buộc Anil phải tuyên bố trước tòa rằng ông lúc ấy trắng tay, không đồng xu dính túi. Ông hiện vẫn đang phải cố gắng làm việc 14 giờ mỗi ngày để giải quyết những vấn đề tài chính còn tồn đọng.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/noi-dau-huynh-de-tuong-tan-trong-gia-dinh-ti-phu-giau-nhat-chau-a-2267007.html